Báo cáo tại Hội thảo về đầu tư xây dựng vành đai 3 TP.HCM diễn ra chiều 11-3 tại TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban giao thông) cho rằng hiếm có dự án hội tụ thiên thời, địa lợi, nhân hòa như dự án vành đai 3 lúc này.
"Hơn 20 năm, 20 triệu người dân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mong mỏi. Đây không phải là dự án hạ tầng đơn thuần mà phải xác định là 1 giấc mơ thành hiện thực, 1 lời hứa sẽ thành hiện thực"- ông Phúc nói.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết ông rất xúc động với dự án, vì dự án này mong mỏi quá lâu, đây giống như khả năng điều thần kỳ xảy ra, hiện thực không thể chờ đợi vành đai 3 thêm được nữa.
Theo ông Thiên, chúng ta phải nhìn nhận cách tiếp cận vành đai 3 không chỉ cho TP.HCM, cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn phải cho cả đất nước.
Toàn cảnh Hội thảo vành đai 3 ở TP.HCM chiều 11-3. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
"Chúng ta thua quá xa nước bạn là do giao thông, vì giao thông, như vành đai 3 mong mỏi quá lâu. Chúng ta nên tham khảo cách làm của Quảng Ninh, Hải Phòng các sáng kiến về giao thông, về cơ chế sáng tạo. TP.HCM cần mạnh dạn đề xuất để thay đổi cách làm về hạ tầng hơn nữa"- ông Thiên nói.
Theo ông Thiên, chương trình hạ tầng giao thông của Chính phủ chưa bao giờ quyết liệt như bây giờ, phải "quyết chiến" cho hạ tầng trên cơ sở tập trung các tuyến ưu tiên và các tuyến ưu tiên hàng đầu cần làm.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nêu quan điểm, cả gần 1/4 thế kỷ nghiên cứu vùng này, ông nhiều lần cho rằng điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng giao thông kết nối, chậm kết nối giao thông ngày nào thì thiệt hại là không tính hết.
"Khu vực là 1 vành đai công nghiệp trải dài Bến Lức - Đức Hòa - Long An về Vũng Tàu, thành trung tâm công nghiệp mang tính khu vực, gắn với cụm cảng ra biển Cái Mép - Thị Vải. Tuy nhiên, khi các đường vành đai đều nằm trên giấy thì cảng không phát triển được, tứ giác gồm 4 địa phương vốn rất phát triển cũng bị kiềm chân"- ông Lịch nói.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và 9 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, kết cấu hạ tầng giao thông TP đã có bước phát triển mạnh, một số công trình trọng điểm đã được đầu tư đưa vào khai thác.
"Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống đường vành đai TP.HCM nói riêng vẫn chưa đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt là các công trình trọng điểm, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chưa kịp đầu tư, khai thác đồng bộ"- ông Mãi đánh giá.
Theo ông Mãi, đến nay dự án đã hoàn thành báo cáo tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV tháng 5-2022.