Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM (Sở LĐ-TB&XH) vừa có báo cáo về việc chi hỗ trợ cho các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 từ nguồn quỹ vận động phòng chống dịch của đơn vị này.
Theo đó, tính đến ngày 10-8-2021, có 30 đơn vị đóng góp cho quỹ với số tiền hơn 461 triệu đồng. Trong đó, Công đoàn huy động là hơn 351 triệu đồng, Văn phòng huy động là 60 triệu đồng và Ban Tuyên giáo Đảng ủy huy động là 50 triệu đồng.
Khi được sự chấp thuận của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Văn phòng sở đã chi hỗ trợ kinh phí qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản cá nhân với số tiền là hơn 262 triệu đồng.
Cụ thể, chi cho cho lực lượng tuyến đầu là 125 triệu đồng; chi cho 21 thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của sở là 97,6 triệu đồng; chi hỗ trợ tổ công tác đi các quận huyện (gồm 51 công chức, viên chức của sở) là hơn 25 triệu đồng.
Đồng thời chi cho việc mua khẩu trang tặng các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh và tặng các bệnh viện là hơn 14 triệu đồng.
Tiếp đó, Thường trực Đảng ủy, Ban Giám đốc thống nhất chủ trương mua 42.373 khẩu trang hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đối tượng đang được chăm sóc, quản lý tại 37 đơn vị trực thuộc với 127 triệu đồng.
Sau đó hỗ trợ y bác sĩ đang điều trị COVID-19 cho các đối tượng tại trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định là 21 triệu đồng và tổ chức đi thăm, viếng 30 gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị trực thuộc mất hoặc có người thân mất với 50 triệu đồng.
Kinh phí còn lại là 1 triệu đồng đang gửi trong tài khoản của sở.
Riêng đối với việc chi 97,6 triệu cho thành viên Ban chỉ đạo thì giám đốc, phó giám đốc, chánh và phó chánh văn phòng, trưởng phòng, chuyên viên văn phòng sở cũng nhận được hỗ trợ với số tiền là 4,6 triệu đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo trung tâm thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho rằng việc dùng nguồn tiền vận động chi cho các lãnh đạo, cán bộ phòng ban của sở này là không đúng mục đích vận động.
Theo đó, mục đích vận động là để hỗ trợ cho Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá và Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Người bại liệt Thạnh Lộc bao gồm viên chức và người lao động của hai trung tâm này. Do đó việc chi tiền cho các lãnh đạo, cán bộ phòng ban của sở là không đúng. Đồng thời sở cũng không công khai việc chi tiền hỗ trợ như thế nào cho đến khi có yêu cầu của UBND TP.
“Việc ban chỉ đạo nhận tiền là không đúng vì đó là trách nhiệm. Nếu có chế độ thì chi và phải chi từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho sở trong nguồn chi thường xuyên hoặc chi ngoài khoán hạn mức (được Sở Tài chính cấp bổ sung ngoài hạn mức của dự toán được duyệt)”, cán bộ này cho biết thêm.
Tuổi Trẻ Online cũng liên lạc với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH để trao đổi về nội dung này nhưng chưa nhận được thông tin trả lời.
Trước đó ngày 7-3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chỉ đạo giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội khẩn trương công khai chủ trương, kết quả vận động và chi tiết việc sử dụng số tiền do các cá nhân và đơn vị trực thuộc sở đã đóng góp, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua.
Mặt khác, đề nghị ông Lê Minh Tấn - giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan trong việc chưa công khai, minh bạch về đối tượng nhận hỗ trợ, kết quả vận động và quá trình sử dụng số tiền hỗ trợ.
Cũng như việc sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân để tiếp nhận và chuyển tiền hỗ trợ do các đơn vị trực thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội đóng góp để thực hiện phòng chống dịch COVID-19 tại sở.
Ngoài ra, giám đốc sở xem xét, xử lý số tiền đã chi cho ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thuộc sở nhằm bảo đảm số tiền do công đoàn sở đã kêu gọi vận động được sử dụng đúng mục đích.
TTO - Tối 20-10, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với ông Lê Minh Tấn - giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, ông cho biết đã xin lỗi về việc diễn đạt gây hiểu nhầm 'chưa ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ'.