Ngày 11/3, UBND Tp.HCM tổ chức hội thảo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Tp.HCM với sự tham dự trực tuyến của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch – Đầu tư từ Tp.Hà Nội và lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai trực tiếp tại Tp.HCM.
Phát biểu mở đầu, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đầu tư công đối với dự án và giao UBND Tp.HCM là cơ quan chuẩn bị đầu tư, tổ chức lập, trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định.
Theo đó, đường Vành đai 3 Tp.HCM có vai trò kết nối các đô thị vệ tinh của Tp.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á nhằm phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng phục vụ công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logicstic để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và thu hút các nhà đầu tư.
Dự án này là điều kiện quan trọng để phát triển các khu đô thị, công nghiệp theo quy hoạch, góp phần điều tiết phân bố dân cư, giảm áp lực của khu vực nội đô Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai; hình thành các quỹ đất lớn để khai thác phát triển... để tạo xung lực rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những khu vực tuyến đường đi qua.
Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Tp.HCM dự kiến sẽ đem lại lợi ích kinh tế to lớn không chỉ cho người tham gia giao thông mà còn đem lại lợi ích cho hàng loạt các hoạt động kinh tế - xã hội ở các khu vực ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của dự án”.
Trước đó, UBND Tp.HCM đã có tờ trình hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 3 gửi Chính phủ xem xét trình Quốc hội vào 10/3.
Theo đó, hầu hết các nội dung quan trọng như về phương án đầu tư, phân kỳ xây dựng, công tác hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng ở các địa phương... về cơ bản vẫn được giữ nguyên như bản báo cáo Thủ tướng hồi cuối tháng 1/2022. Tuy nhiên, về tổng mức đầu tư và tiến độ dự kiến có thay đổi.
Tổng mức đầu tư đường Vành đai 3 giai đoạn 1 dự kiến là khoảng 75.377 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng và thiết bị ước tính hơn 25.900 tỷ đồng; phần giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 41.589 tỷ đồng; còn lại là chi phí quản lý dự án, dự phòng...
Về nguồn vốn đầu tư, tỷ lệ ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư, tương đương hơn 38.740 tỷ đồng. Còn lại hơn 36.636 tỷ đồng từ ngân sách các địa phương.
Nếu được Chính phủ và Quốc hội thông qua, dự án sẽ khởi công vào quý III/2023, hoàn thành cơ bản vào năm 2025 và chính thức vận hành năm 2026.
Trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Tp.HCM cùng các địa phương cũng kiến nghị Quốc hội được áp dụng một số cơ chế đặc thù để đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ vào năm 2025.
Cụ thể, Tp.HCM đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An tổ chức thực hiện các dự án thành phần của từng địa phương; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định Chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần điều chỉnh và giao UBND Tp.HCM là cơ quan đầu mối thực hiện công tác tổng hợp liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Về cơ chế chỉ định thầu, kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp để thực hiện các dự án thành phần...
Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 91,64 km, điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Giai đoạn 1 của dự án đầu tư khoảng 76,34 km, quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, cùng phần đường song hành hai bên quy mô mỗi bên bố trí tối thiểu hai làn xe.
Giai đoạn hoàn chỉnh đối với phần đường cao tốc là 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ; đối với phần đường song hành sẽ đầu tư toàn bộ hai bên tuyến, mặt cắt ngang mỗi bên có tối thiểu hai làn xe và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.