Khách Nga đến Việt Nam dịp cuối năm 2021 - Ảnh: MINH CHIẾN
Đánh giá tác động chung về kinh tế thương mại của Nga đối với Việt Nam tại tọa đàm “Doanh nghiệp Việt trước tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine” được tổ chức tại TP.HCM ngày 11-3, ông Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS), cho rằng ảnh hưởng này là không lớn về mặt trực tiếp.
Ngay cả góc độ gián tiếp, ảnh hưởng này vẫn cần có thời gian mới thấy tác động cụ thể.
Theo ông Thành, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đạt khoảng 5,4 tỉ USD trong năm 2021, chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó chúng ta đang xuất siêu hơn 1 tỉ USD.
Nhìn vào cấu trúc xuất nhập khẩu của Nga, nước này chủ yếu xuất hàng nguyên liệu thô, nhập khẩu hàng tiêu dùng, rất ít nhập máy móc hay xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
Với cơ cấu xuất nhập khẩu được xem là của "một quốc gia đang phát triển", cùng quy mô nền kinh tế đang nhỏ dần khi GDP danh nghĩa khoảng 1.500-1.600 tỉ USD, nền kinh tế của Nga đang về ngang bằng Indonesia, hay chỉ tương đương một số tỉnh giàu của Trung Quốc.
Còn với Ukraine, kim ngạch xuất khẩu với Việt Nam không lớn 1 tỉ USD.
Do đó, xung đột hiện nay không tác động quá khủng khiếp cho Việt Nam về thương mại lẫn tài chính quốc tế. Riêng mảng lĩnh vực dịch vụ du lịch, đây là bài toán các doanh nghiệp phải tính toán trong thời gian tới.
Theo TS Trần Quốc Hùng - CEO Viện Tài chính quốc tế IIF ở Washington DC (Mỹ), ảnh hưởng xung đột hiện nay khiến các doanh nghiệp đang làm ăn với thị trường Nga sẽ gặp khó khăn trước mắt. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần xem đây là cơ hội để chuyển đổi, tìm kiếm các thị trường mới.
Khủng hoảng lần này có thể mở ra các cơ hội tức thời, như giá lương thực có thể lên cao, một số thị trường vốn nhập nông sản từ Nga có thể bị gián đoạn… Việt Nam có thể tăng cường tham gia thị trường EU ở một số lĩnh vực như nông phẩm, lương thực để thay thế hàng từ Nga và Ukraine.
Theo các chuyên gia, hiện một số mặt hàng mà Việt Nam nhập nhiều từ Nga như lúa mì, ngô cũng là những mặt hàng mà Mỹ sản xuất rất nhiều. Việc chuyển hướng nhập khẩu các mặt hàng này sang thị trường Mỹ cũng là giải pháp, góp phần làm cân bằng hơn cán cân thanh toán, và đa dạng hóa bạn hàng.
"Bản chất xáo trộn của nền kinh tế được thể hiện qua giá nhiều hơn. Sự khó khăn này buộc Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn cung. Vai trò của Nhà nước là can thiệp làm sao quá trình dịch chuyển này tốt hơn bằng vai trò kết nối, giới thiệu dựa trên sự nỗ lực của các doanh nghiệp", ông Thành nói.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng cần phải lưu ý các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU với Nga, trong đó lên hoạt động giao dịch, thanh toán và cấm vận.
"Nếu cấm vận vũ khí và công nghệ thì không có gì mới, còn các mặt hàng khác như điện tử, điện thoại thông thường vẫn được duy trì bình thường. Nhưng việc chi trả thanh toán của khắp nơi trên thế giới với các đối tác Nga trong thời gian tới sẽ hết sức khó khăn.
Các doanh nghiệp Việt Nam rất giỏi trong việc linh hoạt ở những thời điểm sang chấn như hiện nay. Quan trọng doanh nghiệp cần nhìn rủi ro này là cơ hội để đa dạng hóa thị trường, tính lại cấu trúc giá sản phẩm", đại sứ Phạm Quang Vinh lưu ý.
TTO - Những chỉ dấu cho thấy Nga và Ukraine muốn thoát khỏi cuộc xung đột đã xuất hiện trên mặt trận ngoại giao những ngày qua, song tình hình chiến sự vẫn rất đáng lo ngại.
Xem thêm: mth.55994135111302202-eniarku-agn-tod-gnux-auc-gnod-cat-ev-naul-nab-man-teiv-peihgn-hnaod/nv.ertiout