Đến công ty trong nước, trung gian thanh toán
Báo Lao Động vừa có bài viết phản ánh về việc hàng chục nạn nhân tố cáo một loạt sàn giao dịch ngoại hối trái phép có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, đó là các sàn như ACXFX, DK Trade, ASX Market, Scope Market, LCM...
Theo tìm hiểu, dù gắn mác sàn giao dịch ngoại hối quốc tế, tuy nhiên, nhiều thông tin về địa chỉ nhận tiền thông qua chuyển khoản để đặt lệnh giao dịch trên những sàn này lại là các cá nhân, đơn vị ở Việt Nam.
Như khi tham gia sàn đầu tư LCM, chị D.T.T (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã chuyển hơn 1 tỉ đồng; chị H.T.T.S (quận Bình Tân, TP.HCM) chuyển hơn 140 triệu đồng; chị N.T.H (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chuyển hơn 350 triệu đồng... vào tài khoản ngân hàng trong nước đứng tên Công ty TNHH TM Điện tử StarLight (trụ sở nằm tại phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM); chị N.T.H (Mỹ Đức, Hà Nội) chuyển hơn 350 triệu đồng vào tài khoản của Công ty TNHH Công nghệ Phần mềm Star-Win (trụ sở tại phường 12, quận 10, TP.HCM)...
Còn để tham gia sàn DK Trade, chị N.T.M.T (quận Tân Phú, TP.HCM) đã chuyển tới hơn 2 tỉ đồng tới tài khoản của Công ty TNHH Thương mại điện tử Paytrust (trụ sở tại phường Long Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM).
Tinh vi và lắt léo hơn, trong phần lớn các giao dịch ở những sàn ngoại hối trái phép, người dân được yêu cầu chuyển tới tài khoản của Công ty Cổ phần Cổng trung gian thanh toán Ngân Lượng. Đây là một đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Đơn cử như trường hợp của chị N.T.L.A (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã chuyển hơn 3,1 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Cổ phần Cổng trung gian thanh toán Ngân Lượng để mở tài khoản trên sàn ACXFX.
Tuy nhiên, qua làm rõ, số tiền trên thông qua Ngân Lượng đã chảy vào ví điện tử của một cá nhân tên Q.T.B (địa chỉ huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Tra cứu cho thấy, Q.T.B cũng chính là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại điện tử Paytrust được nhắc ở phía trên với sàn DK Trade. Cổng trung gian thanh toán Ngân Lượng xác nhận thông tin này.
Thủ đoạn “đào” tiền
Hòng chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, các đối tượng đứng sau sàn ngoại hối trái phép sẽ dùng kĩ thuật “đánh cháy" tài khoản, khiến cho tài khoản âm tiền. Tuy nhiên, đây mới là lúc các đối tượng “đào" tiền của nhà đầu tư trong nỗi hoang mang, lo sợ mất vốn.
“Khi nhân viên làm cho tài khoản âm quá số tiền vốn, chúng đánh vào tâm lý đang hoảng loạn của khách, muốn cứu vãn được số tiền này phải nghe theo nạp thêm tiền mới mong gỡ lại” - một nhà đầu tư nói với PV Báo Lao Động.
Hầu hết nạn nhân đều gặp phải tình huống này và rơi vào bẫy lừa của các đối tượng. Có người thậm chí đã nộp thêm cả tỉ đồng vì tiếc số tiền vốn bỏ ra. Tuy nhiên, sau động thái huy động được nguồn tiền, toàn bộ các kênh liên lạc với sàn hay đầu môi giới bao gồm điện thoại, nhóm chat, email cũng đều bị chặn.
Trong một thống kê từng được cơ quan chức năng đưa ra, thị trường Việt Nam đang có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép (sàn forex) tồn tại, thu hút nhiều người tham gia đầu tư.
Để lấy lòng tin của nhà đầu tư, các đối tượng đứng sau quảng cáo rằng, sàn forex có nguồn gốc từ nước ngoài, độ uy tín cao, có các hệ thống kỹ thuật giúp thực hiện giao dịch nhanh chóng, chính xác, được liên kết với các nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới, lãi suất cao bất thường, từ 15 - 30%/tháng.
Đáng chú ý, theo cơ quan công an, nhà đầu tư trên sàn giao dịch forex thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng (đã có nhiều người dân bị thua số tiền rất lớn lên đến cả chục tỉ đồng). Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: Chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan chức năng và nhà đầu tư không thể đòi lại tiền.
Trong khi đó, về vấn đề này, phía Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng, khi tham gia các sàn đầu tư ngoại hối trái phép, mọi giao dịch của người tham gia đều thông qua tài khoản được mở trên hệ thống Internet mà không có cơ quan quản lý tại Việt Nam cấp phép. Trong trường hợp nếu có các vấn đề rủi ro liên quan đến hệ thống thì kết quả đầu tư của người tham gia đều không được đảm bảo.
Ngoài ra, số tiền mà người tham gia nộp vào hệ thống là tiền thật trong khi những lợi ích hay hoa hồng được ghi nhận trên hệ thống là các loại tiền ảo hay hay ghi nhận trong ví điện tử, trong khi những loại tiền ảo và ví điền tử này đều không được cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận là công cụ thanh toán hợp pháp.
Xem thêm: odl.5091201-uad-id-yahc-ad-neit-nougn-et-couq-hnihc-iat-ut-uad-gnov-oa/ut-uad-et-neit/nv.gnodoal