Giá dầu quay đầu giảm mạnh sau khi tăng cao kỷ lục
Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, sau một động thái tương tự của Canada vào tuần trước, dù cả hai quốc gia này đều không phải là đối tác thương mại dầu thô mạnh với Mát-xcơ-va.
Bên cạnh giá dầu thô tăng cao, cuộc xung đột Nga - Ukraine còn làm tăng nỗi lo về giá lương thực cho người dân trên thế giới - ẢNH: AFP |
Anh Quốc cũng cam kết cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. Các chuyên gia cho rằng tình hình này sẽ khiến chi phí sử dụng nhiên liệu của từng hộ gia đình sẽ tăng vọt.
Tzeporah Berman - Giám đốc Chương trình quốc tế Mỹ và là giáo sư tại Đại học York (Canada) - cho biết: “Điều có thể thấy rõ nhất qua cuộc xung đột là sự phụ thuộc của chúng ta vào hệ thống nhiên liệu hóa thạch nguy hiểm như thế nào”. Berman lưu ý rằng chuỗi cung ứng dầu và khí đốt có đặc trưng là những “điểm tắc nghẽn” quan trọng - bao gồm cảng hoặc đường ống quan trọng dẫn vào các thị trường khác - có thể bị các nhà sản xuất lợi dụng, hoặc bị gián đoạn bởi thiên tai. Nga hiện cung cấp khoảng 7% sản lượng dầu và khí đốt toàn cầu.
Giá dầu thô đã tăng hơn 30% kể từ ngày 24/2, chạm mức 139 USD/thùng trước khi quay đầu giảm còn 112 USD/thùng tại Mỹ. Giá dầu thô Brent tăng cao hơn tại châu Á, đứng ở mức khoảng 115 USD/thùng vào trưa 10/3. Nguyên nhân dẫn đến giá dầu lao dốc trong ngày 10/3 là vì UAE cho biết, họ sẽ hỗ trợ tăng sản lượng khai thác dầu. Giá dầu thô Brent đã giảm hơn 17% sau tuyên bố của UAE, một thành viên của liên minh dầu mỏ hùng mạnh OPEC.
Đại sứ UAE, ông Yousuf Al Otaiba, nói: “Chúng tôi ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC xem xét mức sản xuất cao hơn”. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gần đây cũng đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ quốc gia chiến lược, nhưng động thái đó dường như không đủ để đáp ứng với đà tăng giá.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng những nỗ lực mới từ châu Âu và các quốc gia khác nhằm giảm phát thải khí nhà kính có thể mang lại lợi ích tổng hợp là giảm giá nhiên liệu. Giáo sư Berman nhận xét: “Năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hoặc gió được phân phối nhiều hơn. Ngoài ra, công nghệ đã phát triển đến mức việc xây dựng cơ sở năng lượng tái tạo tiết kiệm chi phí hơn so với các đường ống dẫn dầu và khí đốt”.
Giá lương thực tăng
Nga và Ukraine là những nhà cung cấp ngũ cốc, dầu thực vật và phân bón quan trọng. Điều đó có nghĩa là sự gián đoạn nguồn cung sẽ xảy ra trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến giá sản phẩm trên các kệ hàng. Những lo lắng về việc giá dầu hướng dương tăng cao đã gây ra tình trạng đầu cơ ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi người dân cố gắng chen chân mua dầu để dự trữ.
Theo Ahmet Atici - Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà công nghiệp dầu thực vật tại Thổ Nhĩ Kỳ - lo ngại của người tiêu dùng về giá dầu hướng dương có liên quan đến việc nhập khẩu bị tắc tại biển Azov, cực đông bắc của biển Đen do Nga kiểm soát. Ukraine và Nga chiếm khoảng 3/4 sản lượng dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu.
Tại Ai Cập - nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới - giá một số loại bánh mì chưa đóng gói đã tăng vọt trong tuần qua. Một gói năm ổ bánh mì dẹt hiện được bán với giá khoảng 0,5 USD ở khu vực Cairo, cao gấp 1,5 lần so với một tuần trước. Giá lúa mì ở Chicago (Mỹ) tăng hơn 70% trong năm 2022 và đang đe dọa chi tiêu thương mại lương thực toàn cầu. Giá lúa mì đã vượt qua mức từng thấy trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008, chỉ số giá lương thực toàn cầu do Liên Hiệp Quốc công bố đã đạt mức kỷ lục vào tháng Hai vừa qua.
Ngay cả ở Indonesia, nước xuất khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, giá dầu cũng bắt đầu tăng. Chính phủ đang tăng cường kiểm soát các sản phẩm địa phương, trong khi các siêu thị áp dụng giới hạn mỗi người chỉ được mua một bình dầu ăn. Nhiều gia đình đã phải đưa trẻ nhỏ đến xếp hàng để có thể mua thêm dầu ăn cho gia đình…
Tấn Vĩ (theo Time, NPR, FT, CBS, Global News)