Bây giờ đã có BA.3. Nếu đi sâu vào phân tích gene, mai này có thể có thêm BA.4, 5, 6 nhưng bệnh lý y chang nhau thì không cần bàn.
Một biến chủng virus có nhiều nhánh, nhiều dòng khác nhau không phải chuyện lạ, không phải chỉ có ở SARS-CoV-2. Lúc trước, "biến chủng Ấn Độ" cũng có mấy nhánh nhưng rồi Delta cũng lấn át. BA.2 lây nhanh thì sẽ nhanh chóng lấn át BA.1.
Về chuyện tái nhiễm, mắc BA.1 Omicron rồi có thể mắc lại BA.2? Câu trả lời là có thể nhưng cực hiếm và cũng ở người có cơ địa đặc biệt. Theo một nghiên cứu của Đan Mạch thì tỉ lệ chỉ là một vài phần triệu, hiếm như thế thì không phải bàn.
Nhiễm Delta rồi có thể tái nhiễm Omicron, tỉ lệ chừng 5%-10% nhưng cũng nhẹ. Tái nhiễm nhẹ là vì lần mắc bệnh trước cũng đã cung cấp cho cơ thể một lượng kháng thể nhất định rồi, mà bản chất Omicron là nhẹ.
Còn nhiễm Omicron thì không sợ tái nhiễm Delta nữa, mà Delta có thể đã biến mất trong một số cộng đồng. Bởi lẽ, con virus nào lây nhanh hơn thì con đó sẽ lấn át.
Lây nhanh mà bệnh nhẹ, không quá tải khối hồi sức, lây trên một cộng đồng đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 thì càng không sao hết.
Cũng cần phân biệt tái nhiễm với tái dương tính. Tái dương tính là hết bệnh rồi, đang khỏe nhưng... buồn buồn đi xét nghiệm lại bằng test nhanh hay PCR và hốt hoảng vì thấy mình dương tính lại. Nhưng thật ra, đó là xác virus, không lây, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Vì thế, bệnh nhân Covid-19 nào mới khỏi bệnh chưa lâu và không có triệu chứng gì thì khỏi cần test để rồi bị "hù", lại tốn tiền.
Điều cần làm trong lúc này là bảo vệ đối tượng nguy cơ, hạn chế sự lây lan cho nhóm này; bảo đảm cho họ tiếp cận được sớm, tốt nhất thuốc kháng virus, kháng thể đơn dòng...
Đồng thời, cũng cần hạn chế tốc độ lây lan ở môi trường làm việc bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay. Omicron không phải là mối đe dọa sức khỏe với người trong độ tuổi lao động nhưng bệnh nhẹ mà bệnh cùng lúc thì lấy ai làm việc? Như vậy sẽ gián đoạn hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến việc phục hồi kinh tế.
Cơ quan, công ty có thể áp dụng cách tương tự các trường học: ráng chia nhóm ra, nhóm nào sinh hoạt với nhóm đó, nhất là lúc ăn uống, ngủ nghỉ vì lúc này mới lây dữ.
Qua một thời gian, miễn dịch tự nhiên kết hợp với miễn dịch từ vắc-xin sẽ làm đợt sóng này hạ nhiệt.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1)
NLĐ