Chế tài nào xử lý?
Đầu tháng 3, liên quan đến tố cáo của hàng loạt nạn nhân đối với các sàn giao dịch ngoại hối trái phép như ACXFX, DK Trade, LCM... một nguồn tin từ Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP.Hà Nội) cho biết, vụ việc vẫn đang trong quá trình thụ lý điều tra.
"Chúng tôi vẫn đang thụ lý điều tra. Các tài liệu khi chưa truy tố xét xử thì chưa thể cung cấp. Hiện tại, quy định pháp luật vẫn chưa có đường hướng xử lý đối với những sàn lập ra như vậy. Về con người, chủ các sàn này chưa xác định được mà chỉ xác định được những đối tượng môi giới, đầu mối mà thôi" - nguồn tin nói với PV Báo Lao Động.
Trên thực tế, theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, trong các vụ việc để xử lý sàn forex trái phép, vẫn còn nhiều gian nan như việc thu thập bằng chứng, tài liệu chứng minh hậu quả, nạn nhân, tìm người trong cuộc trực tiếp lên tiếng, tố cáo...
Không những vậy, việc truy vết để tìm ra kẻ cầm đầu, sáng lập đường dây cũng không hề đơn giản, những đối tượng rõ ràng nhìn có thể là "chóp bu" nhưng khi sàn sập vẫn ngang nhiên phủi tay, cho rằng chỉ là người "chia sẻ cơ hội, chia sẻ kinh nghiệm".
Đấu tranh mạnh với các sàn ngoại hối gần đây mới có nhiều hiệu quả. Điển hình như vào tháng 6.2021, Công an TP.Hải Phòng phát hiện sàn Hitoption giao dịch ngoại hối trên không gian mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Rất nhiều nhà đầu tư ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã đổ vào sàn Hitoption một lượng tiền lớn.
Ban chuyên án đã huy động hơn 40 cán bộ chiến sĩ tiến hành kiểm tra trụ sở và triệu tập các đối tượng tham gia. Vụ án được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước tới nay bị phát hiện, xử lý khi tổng số dư trên các sàn lên tới con số hơn 7.500 tỉ đồng.
Trước đó vào tháng 5.2021, lần đầu tiên, 7 sàn forex lừa đảo đã bị lực lượng công an triệt phá. Đây được đánh giá là một bước ngoặt lớn trong việc ngăn chặn sự phát triển của các mô hình đa cấp núp bóng sàn kinh doanh ngoại hối trái phép. Cơ quan chức năng cho biết, chỉ tính riêng 4 trong 7 sàn trái phép trên, số tiền người tham gia đổ tiền vào đó đã lên đến con số hàng nghìn tỉ đồng.
Các đối tượng đứng sau sàn forex trái phép trong các vụ án nêu trên bị cơ quan công an khởi tố về tội danh “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Theo chuyên gia pháp lý, đây là bước ngoặt trong việc đấu tranh với loại tội phạm tinh vi này.
Tiên quyết vẫn là sự tỉnh táo
Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc cung ứng các dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ trong nước và quốc tế phải do các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại được Nhà nước cấp phép. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất cứ một doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nào ngoài những đơn vị đã được cấp phép. Do đó, những tổ chức sàn forex hiện nay hoàn toàn không đúng với quy định của pháp luật.
Bộ Công an cũng từng cảnh báo về nhiều sàn đầu tư sử dụng truyền thông để quảng bá khiến nhà đầu tư lầm tưởng các sàn này đã được cấp phép. Thậm chí, nhiều sàn giao dịch sử dụng các đồng tiền ảo như BTC, ETH, USDT chưa được công nhận thanh toán tại Việt Nam để giao dịch. Do đó, nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo hộ khi xảy ra tranh chấp.
"Nhóm lập sàn thường cam kết lợi nhuận với nhà đầu tư, hứa hẹn chia hoa hồng cao nếu lôi kéo được nhà đầu tư mới. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, chủ sàn can thiệp vào giá, điều chỉnh thắng thua hoặc đánh sập hệ thống nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân" - phía Bộ Công an cảnh báo.
Theo đó, bản chất của việc giao dịch ngoại hối là sự tương tác giữa người đầu tư và chủ sàn diễn ra hoàn toàn trên không gian mạng nên tiềm ẩn rủi ro rất lớn về tài chính cho người tham gia. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không tham gia các sàn forex trái phép.
Xem thêm: odl.6091201-irt-yl-om-ehc-maht-gnol-ihk-et-couq-hnihc-iat-ut-uad-gnov-oa/ut-uad-et-neit/nv.gnodoal