vĐồng tin tức tài chính 365

Giá xăng dầu tăng vọt, ngư dân thấp thỏm nằm bờ

2022-03-12 13:07

Không thể vươn khơi vì sợ thua lỗ

Đợt tăng lần thứ 7 vào ngày 11/3 đẩy giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước lên cao, điều này đã khiến hàng trăm ngư dân tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Ở nhà thì không thể phát triển kinh tế, mà vươn khơi bám biển lại sợ thua lỗ do chi phí nhiên liệu cao hơn rất nhiều lần.

Theo nhẩm tính của ngư dân Nguyễn Xuân Văn (thôn Thanh Long, xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam – chủ tàu cá tàu cá QNa-90444), tàu cá của anh hành nghề câu mực có công suất 822CV cùng 48 bạn biển ra ngư trường Trường Sa để đánh bắt hải sản.

“Chuyến biển dự kiến kéo dài 3 tháng, tốn không dưới 30 nghìn lít dầu, chi phí hơn 630 triệu đồng. Do giá xăng dầu liên tục đạt đỉnh mới nên giá đá cây, lương thực, thực phẩm, nước uống... cũng tăng vọt. Tính sơ sơ thì mỗi chuyến biển tốn hơn 750 triệu đồng trong khi đó giá mực xà khô lại giảm chỉ còn dưới 100 nghìn đồng/kg. Phải thu được 10 tấn mực khô mới có thể bù chi phí. Xăng dầu càng tăng giá, sản xuất trên biển của ngư dân càng khó khăn chồng chất” - anh Văn nói.

Nhiều tàu thuyền tại Quảng Nam vẫn đang nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao liên tiếp
Nhiều tàu thuyền tại Quảng Nam vẫn đang nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao liên tiếp

Ông Ngô Ri (60 tuổi, xã đảo Tam Hải, chủ tàu cá QNa 91559 TS, công suất 825CV) cho hay, thời điểm này, giá xăng dầu tăng cao liên tục kéo theo chi phí cho mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa bị đội lên gấp đối. “Trung bình mỗi chuyến biển tàu tốn từ 6.000 đến 7.000 lít dầu, bình quân mỗi chuyến sẽ có chi phí hơn 100 triệu đồng bao gồm: dầu, lương thực, thực phẩm… Sau khi thanh toán các khoản chi phí, mỗi thuyền viên cũng có được từ 7 đến 15 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Nhưng nay chi phí tăng lên đến gần 200 triệu đồng/chuyến biển thì dự kiến sẽ bị lỗ từ 20-30 triệu đồng. Trong khi đó, ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt nên tàu đi biển nhiều ngày hơn và xa hơn dẫn đến phí xăng dầu cũng tăng lên”, ông Ri thở dài.

Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Nam cho hay, toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 670 tàu thuyền có chiều dài 15m trở lên, còn từ 12m đến 15m thì có hơn 720 chiếc tàu thuyền. Ngoài các khoản chi phí như: nhân công, thực phẩm;… thì nhiên liệu chiếm từ 60 đến 70% chi phí cho mỗi chuyến vươn khơi. Do đó, giá xăng dầu tăng cao, cùng với giá đầu ra thủy sản không ổn định đã tạo áp lực cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn. 

Chi phí của mỗi chuyến biển bị đội lên gấp đôi khiến chủa tàu tiến thoái lưỡng nan
Chi phí của mỗi chuyến biển bị đội lên gấp đôi khiến chủ tàu tiến thoái lưỡng nan

Theo ghi nhận, dù đang là chính vụ khai thác nhưng có rất nhiều tàu cá đang neo đậu tại vùng nước phía trước cảng cá Hòn Rớ (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Giá xăng dầu liên tục tăng khiến chi phí chuyến biển tăng theo nên nhiều chủ tàu chưa xuất bến. Một số tàu khác đang chuẩn bị nguyên liệu để ra khơi nhưng cũng hồi hộp, lo lắng vì nguy cơ thua lỗ cao.

Anh Trần Văn Nuôi (TP. Nha Trang) - thuyền trưởng tàu KH 95979TS cho biết chuyến biển trước tàu đánh bắt được 4 tấn cá các loại với giá đổ đồng 35.000 đồng/kg. Nếu những năm trước với sản lượng đánh bắt như vậy, anh và các bạn tàu khác có lãi để chia nhau khoảng 5-10 triệu/người/chuyến. Thế nhưng, chuyến biển vừa qua giá cá không tăng nhưng xăng dầu tăng kéo các chi phí khác tăng theo nên chỉ vừa đủ phí tổn.

Theo anh Nuôi, tàu lưới cảng của anh đi đánh bắt xa bờ từ 10-15 ngày với khoảng 2.000 lít, trong tổng chi phí cho chuyến biển thì nhiên liệu chiếm khoảng 50%. Trước đây, tổng chi phí cho mỗi chuyến biển khoảng 60 triệu đồng thì nay lên 80 triệu đồng/chuyến và còn cao hơn nữa nếu giá dầu cứ tiếp tục tăng. “Hiện nay, giá xăng dầu tăng cao, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng theo, chúng tôi phải tốn thêm 20 triệu đồng/chuyến, trong đó một nửa là tiền dầu” – anh Nuôi cho biết.

Dù đang là thời điểm khai thác chính nhưng có rất nhiều tàu cá đang neo đậu tại vùng nước phía trước Cảng cá Hòn Rớ (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)
Dù đang là thời điểm khai thác chính nhưng có rất nhiều tàu cá đang neo đậu tại vùng nước phía trước Cảng cá Hòn Rớ (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó trưởng Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ cho biết, giá dầu tăng cao khiến chi phí cho mỗi chuyến biển của tàu lưới cảng khai thác cá ngừ tăng thêm từ 20-50 triệu đồng/chuyến nên bà con ngư dân gặp khó khăn.

Về phía Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, ông Ba cho biết ngoài giảm thuế giá trị gia tăng như quy định chung thì ban quản lý vẫn tuyên truyền, động viên bà con tiếp tục vươn khơi bám biển. Đồng thời, đơn vị cũng có kiến nghị với cấp trên quan tâm, xem xét việc tăng thêm số chuyến biển được hỗ trợ nhiên liệu cho chủ tàu.

Được biết, toàn tỉnh có 708 tàu đánh bắt xa bờ có 15m trở lên. Việc giá dầu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều đến ngư dân bám biển vì chi phí nhiên liệu chiếm phần lớn trong chuyến biển.

Hỗ trợ vẫn chưa đến được với ngư dân

Chiếm phần lớn phí tổn trong mỗi chuyến biển của ngư dân là chi phí nhiên liệu. Bởi vậy, hầu hết ngư dân trông chờ vào hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ nhiều nhất 4 chuyến biển/năm, tối đa 100 triệu đồng/chuyến biển.

Hiện tại, nhiều chủ tàu vẫn chọn giải pháp nằm bờ, vì nếu tính chi phí thì mỗi chuyến biển họ sẽ lỗ từ 20-30 triệu đồng
Hiện tại, nhiều chủ tàu vẫn chọn giải pháp nằm bờ, vì nếu tính chi phí thì mỗi chuyến biển họ sẽ lỗ từ 20-30 triệu đồng

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này, đã hoàn thành xét duyệt hồ sơ, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ nhiên liệu đợt 2 năm 2021. Trong năm 2021 vẫn còn 2 đợt hỗ trợ nhiên liệu chưa xét duyệt nên dự kiến hỗ trợ nhiên liệu ở đợt 1 năm 2022 sẽ rất chậm.

Theo quy định, để nhận hỗ trợ nhiên liệu của chuyến biển, chủ tàu cá xa bờ phải bám biển ít nhất 15 ngày, trong đó hiện diện ở các vùng biển xa ít nhất 13 ngày. Trong quãng thời gian đó, trạm bờ ở Chi cục Thủy sản Quảng Nam nhận ít nhất là 7 tin nhắn trong 7 ngày khác nhau của tàu cá đang sản xuất ở các vùng biển xa mới đủ điều kiện xét duyệt hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu.

Nhiều ngư dân cho biết, đã nhắn hơn 7 tin nhắn về trạm bờ nhưng khi làm thủ tục hồ sơ thì bị ngành chức năng bỏ qua vì cho rằng số lượng tin nhắn gửi về chưa đủ. Các ngư dân cho rằng, do thiết bị nhận tin nhắn ở trạm bờ là máy VX-1700 bị lỗi nên không nhận đủ tin nhắn của ngư dân gửi về.

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân bám biển vẫn đang gặp trục trặc, chưa thế thuận lợi đến với ngư dân
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân bám biển vẫn đang gặp trục trặc, chưa thế thuận lợi đến với ngư dân

“Gửi tin nhắn về trạm bờ cũng giống như nhắn tin qua điện thoại, mình biết tin nhắn gửi đi đã thành công nhưng ngành chức năng bảo không nhận được. Lỗi này không phải do ngư dân mà ngư dân chịu thiệt là oan uổng” - một chủ tàu cá xa bờ nói.

Ông Ngô Tấn cho rằng, các ý kiến của ngư dân là có cơ sở. Ngư dân đã hoàn chỉnh thao tác nhắn tin nhưng trạm bờ không nhận được có thể là do lỗi nghẽn mạng. Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2010, có hiệu lực năm 2011, thống nhất trong phạm vi cả nước là dùng máy VX-1700 để nhận tin nhắn làm thủ tục hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển. Đã hơn 10 năm thực hiện, trục trặc có thể xảy đến với thiết bị VX-1700 không phải là quá khó hiểu.

Sở NN&PTNT Quảng Nam cũng đã đề xuất Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ đổi việc nhận tin nhắn về trạm bờ từ máy VX-1700 sang thiết bị hiện đại hơn, có tính chính xác cao hơn là giám sát hành trình, tuy nhiên, vẫn chưa thể hoạt động thông suốt.

Nguyễn Dương - Huyền Hoa

Xem thêm: lmth.5409541a-ob-man-moht-paht-nad-ugn-tov-gnat-uad-gnax-aig/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Giá xăng dầu tăng vọt, ngư dân thấp thỏm nằm bờ ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools