Phiên giao dịch hôm nay (12-3), giá vàng thế giới lao dốc xuống còn 1.960 USD/ounce, tương đương 54,5 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, giá vàng suy giảm do các nhà đầu tư chờ đợi đợt tăng lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) diễn ra trong tuần sau. Bởi vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ vừa công bố đã leo lên 7,9%, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Dữ liệu CPI là một lời nhắc nhở thêm rằng lạm phát đang bùng phát ở mọi loại hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, giá vàng giảm chỉ mang tính chất tạm thời vì các sự kiện địa chính trị sẽ đóng vai trò nhân tố chính để thúc đẩy giá vàng.
Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích Quỹ OANDA (Mỹ) đánh giá, hai động lực chính với vàng vẫn là việc tăng lãi suất trong phạm vi nào của FED và các lệnh trừng phạt giữa các nước với nhau xung quanh xung đột Nga và Ukraine. Giá vàng được dự báo tiếp tục xoay quanh mốc 2.000 USD/ounce.
Theo ông Frank Cholly, chuyên gia kinh tế Quỹ RJO Futures (Mỹ), giá vàng lùi một chút để "kiểm tra" lại khả năng của thị trường, nhưng bức tranh chung là vàng vẫn tăng giá.
FED khó có khả năng gây bất ngờ để tăng lãi suất mạnh lên 0,5% vì mức lãi suất này có khả năng đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Với khả năng xung đột Nga và Ukraine vẫn kéo dài nên ít có khả năng vàng quay đầu trở lại mức 1.800 USD/ounce.
Trên các nền tảng này, giá vàng được dự báo sẽ leo lại trên mốc 2.000 USD vào tuần sau.
Hôm nay, giá vàng trong nước là 69,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là 14,8 triệu đồng.