Nhiều tàu cá nằm bờ ở cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) do xăng dầu tăng giá - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Ngư Lộc là xã ven biển huyện Hậu Lộc, có số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa, với 325 tàu, trong có 160 tàu khai thác hải sản xa bờ.
Do xăng dầu liên tục tăng giá, hầu hết số tàu khai thác hải sản xa bờ của xã này phải nằm bờ. Mỗi chuyến khai thác hải sản xa bờ, tàu phải đi hơn nửa tháng. Chi phí xăng dầu ngày càng cao, công lao động không thể giảm nên nhiều tàu đi khai thác không đủ bù lỗ cho chi phí nhiên liệu, trả tiền nhân công.
Ngoài ra, số tàu thuyền đi về trong ngày cũng không có thu nhập vì chi phí xăng dầu quá cao, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập, cuộc sống của 2.500 lao động bám vào nghề biển ở xã Ngư Lộc.
Ông Nguyễn Văn Bảo - ở thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc - cho hay gia đình ông có tàu cá công suất 450CV. Mỗi chuyến đi biển từ 15-20 ngày, tàu này "ăn" từ 5.000-6.000 lít dầu. Chủ tàu phải thuê 10 lao động với tiền công 400.000 đồng/ngày/người. Tổng chi phí tiền dầu, nhân công cho mỗi chuyến đánh bắt hải sản xa bờ khoảng 200 triệu đồng.
"Do giá xăng dầu tăng liên tục, càng đi biển càng lỗ, có chuyến lỗ từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, không đủ tiền chi phí nên từ sau Tết Nhâm Dần 2022 đến nay, tôi đành cho tàu nằm bờ dù rất nhớ biển và mong được ra khơi để mưu sinh, có tiền nuôi con ăn học. Cuộc sống của người đi biển, sống từ nghề biển đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân, ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ vốn vay để bà con ngư dân xoay xở trong thời gian tới" - ông Bảo nói.
Còn ông Trần Văn Phụng - ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, chủ tàu cá mang số hiệu TH 92555 TS - như đang ngồi trên lửa khi tàu càng ra khơi càng lỗ do xăng dầu tăng giá, trong khi khoản nợ vay đóng tàu đang là gánh nặng đối với ngư dân 63 tuổi này.
"Trước kia, gia đình tôi phải vay 6 tỉ đồng từ ngân hàng để đóng mới tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Sau hơn 4 năm khai thác, gia đình mới trả được hơn 1,5 tỉ đồng cho ngân hàng. Hiện nay còn nợ hơn 4 tỉ đồng, mỗi tháng phải trả hơn 30 triệu tiền lãi. Bây giờ tàu nằm bờ, gia đình tôi chưa biết xoay xở ra sao để có tiền trả nợ ngân hàng" - ông Phụng buồn rầu chia sẻ.
Một ngư dân phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) buồn rầu cho tàu cá nằm bờ ở cảng cá Lạch Hới vì xăng dầu tăng giá - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Ông Nguyễn Hải Năm - chủ tịch UBND xã Ngư Lộc - cho biết trong số chủ 325 tàu thuyền khai thác hải sản của xã thì có tới hơn 90% số hộ vay vốn từ các ngân hàng và Quỹ tín dụng nhân dân Ngư Lộc, với tổng số vốn vay là 116 tỉ đồng để đầu tư đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, mua ngư cụ, dầu và nhu yếu phẩm để ra khơi.
Do xăng dầu tăng giá liên tục, một nửa số tàu thuyền của xã đã nằm bờ làm mất nguồn thu cho ngư dân và lao động làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
"Mỗi khi xăng dầu tăng giá, Hội nghề cá xã Ngư Lộc, chính quyền và ngư dân địa phương đều kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân để bà con yên tâm bám biển. Trước và sau Tết Nhâm Dần, chính quyền xã đã kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp quyên góp đồ dùng thiết yếu để hỗ trợ kịp thời cho các gia đình ngư dân gặp khó khăn" - ông Nguyễn Hải Năm cho biết thêm.
Sáng 12-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Cao Văn Cường - giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa - cho biết sở đang phối hợp với các địa phương ven biển thống kê chi tiết số hộ có tàu cá phải nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao hiện nợ ngân hàng bao nhiêu, cuộc sống của gia đình chủ tàu cá thế nào, cần hỗ trợ trước mắt và lâu dài ra sao để báo cáo lãnh đạo tỉnh vào tuần sau. Từ đó có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với ngư dân.
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online, giá các loại hải sản ở chợ đầu mối và các đại lý tại TP Thanh Hóa bắt đầu rục rịch tăng từ 5 - 10% tùy loại so với dịp Tết Nhâm Dần.
Cá thu tươi nguyên con đang có giá 230.000 đồng/kg, cá thu cắt lát là 300.000 đồng/kg, tăng 5% so với sau Tết Nhâm Dần.
Nhiều loại hải sản tại Thanh Hóa đang phải nhập từ các tỉnh phía Nam về do khan kiếm như mực tươi, tôm hùm, cá mú...
Ngư dân ra khơi lúc này cầm chắc lỗ
Tại cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) - cảng cá lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ, hàng trăm tàu nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao. Nhiều ngư dân cho biết nếu tình trạng này kéo dài sẽ phải ngưng đánh bắt một thời gian.
Sau chuyến biển vừa rồi chỉ thu được hơn 2 tấn hải sản, bán ra được khoảng 120 triệu đồng trong khi chi cho chuyến đi là hơn 200 triệu đồng, ông Lê Đăng Vịnh đang tạm thời cho tàu nằm ở cảng để "tính toán tiếp".
Ngày 12-3, ông Lê Đăng Vịnh - chủ tàu KH 95689 TS - cho biết ngày 1-3 dầu diesel 0.05S có giá 21.310 đồng/lít, đến hôm nay tăng lên 25.760 đồng/lít. Trước đây, khi xăng dầu ở mức 14.000 - 15.000 đồng/lít, mỗi chuyến chỉ tốn khoảng 150 triệu đồng cho khoảng 20 ngày bám biển, trong đó chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 50% thì nay chỉ riêng tiền dầu đã gần 100 triệu đồng.
Nhiều tàu cá neo đậu tại cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang - Ảnh: MINH CHIẾN
Không những vậy, sản lượng đánh bắt giảm, giá bán hải sản tại cảng những ngày này không tăng; cá ngừ vây vàng khoảng 145.000 - 160.000 đồng/kg, cá ngừ sọc dưa khoảng 30.000 đồng/kg… nên ngư dân ra khơi lúc này cầm chắc lỗ, ai may lắm thì huề vốn. "Nhưng ngặt nỗi không đi biển lấy gì ăn, hồi trước giá hải sản bán ra thấp nhưng phí tổn nguyên liệu ít mình ráng bám biển thêm ít ngày. Nếu tình hình này kéo dài chắc tôi phải nghỉ đi biển một thời gian" - ông Vịnh nói.
Các tàu cá nhỏ đánh bắt gần bờ cũng gặp khó khăn tương tự. Anh Lê Hồng Tuấn - chủ tàu KH 97545 TS - than vãn: "Bây giờ tàu neo bến nhiều lắm do giá dầu cao với lại vào giai đoạn tàu nghỉ trăng. Với giá xăng mới, tàu tôi đi câu mỗi chuyến hết 40 lít dầu, tốn hơn 1 triệu đồng.
Nghề đi biển phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên có chuyến được chuyến không, liên tiếp mấy ngày nay tàu tôi thâm hụt từ 500.000 - 800.000 đồng/chuyến, giờ muốn đi biển phải vay nợ, mượn anh em mới đủ bù chi phí".
Theo ông Mai Thành Phúc - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng - giá xăng dầu tăng khiến các tàu đánh bắt xa bờ đang gặp khó vì nguy cơ thua lỗ rất lớn dù đang là giai đoạn cao điểm đánh bắt hải sản.
Ông Nguyễn Văn Ba - phó trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ - cho hay trong chuyến biển tháng 2 chỉ có 296 tàu bám biển. Từ đầu tháng 3 đến nay, mới có 50 tàu đăng ký, làm thủ tục xuất bến đi khai thác, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, các tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới cản đường dài cũng lần lượt về cập cảng vì vào giai đoạn tàu nghỉ trăng. Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt không bằng những chuyến biển trước, trong khi giá bán không tăng mà phí tổn mỗi chuyến biển lại cao nên hiệu quả thấp.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh có 708 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản xa bờ. Các tàu cá đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số tàu tuy đã trễ hạn đăng kiểm nhưng vẫn không tiến hành thủ tục để gia hạn vì lý do nghỉ biển, gặp khó khăn về kinh phí.
TTO - Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng Việt Nam phải xác định về lâu dài giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng khi nguồn cung thế giới đang thiếu hụt.
Xem thêm: mth.78712944121302202-ob-man-iahp-ac-uat-nagn-gnah-gnaht-oel-gnax-aig/nv.ertiout