Vài ngày sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ký sắc lệnh cho phép sử dụng năng lượng hạt nhân trong nước, Philippines đã ký Biên Bản ghi nhớ (MoU) với Mỹ về Hợp tác hạt nhân.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ và Philippines có quan hệ liên minh và duy trì hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực an ninh, năng lượng, thương mại và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Do đó, việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, khoa học và công nghệ nhằm mục đích cải thiện an ninh năng lượng, tăng cường mối quan hệ ngoại giao kinh tế, đóng góp đáng kể vào các mục tiêu chung về năng lượng sạch, phát triển nông nghiệp, cung cấp nước sạch, và phương pháp điều trị y tế.
Thông báo cũng nhấn mạnh, hợp tác hạt nhân giữa hai nước dựa trên chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân mạnh mẽ và dựa trên cam kết kiên định của Philippines với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Biên bản ghi nhớ sẽ cho phép quốc gia này giúp "các đối tác xây dựng cơ sở hạ tầng để sử dụng có trách nhiệm năng lượng hạt nhân và công nghệ, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn cao về an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân, bao gồm cả giám sát quy định độc lập". Biên bản ghi nhớ cũng giúp các nước đối tác tận dụng công nghệ hạt nhân tiên tiến và những đổi mới trong thiết kế lò phản ứng và các lĩnh vực khác đang tiên phong ở Mỹ.
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về việc đưa năng lượng hạt nhân vào sử dụng tại quốc gia này được ký ngày 28/2 và ban hành ngày 3/3. Sắc lệnh này nhằm khôi phục chương trình điện hạt nhân để loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than cũ.
Trong khuôn khổ "hội nghị thượng đỉnh về khí hậu" của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 4/2021, Manila đã cam kết hạn chế 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030./.
Xem thêm: nhc.99975606121302202-nahn-tah-gnoul-gnan-cat-pohnauht-aoht-yk-senippilihp-av-ym/nv.fefac