Nhiều người nhiễm COVID-19 xét nghiệm cả tháng vẫn cho kết quả dương tính - Ảnh: NAM TRẦN
Nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 kéo dài, xét nghiệm nhanh âm tính nhưng khi xét nghiệm PCR vẫn dương tính dù không còn triệu chứng, thậm chí có người sau 84 ngày vẫn dương tính, tại sao vậy?
Xét nghiệm hoài vẫn... dương tính
Nhiễm COVID-19 từ ngày 31-8 khi đã tiêm một mũi vắc xin AstraZeneca, ông Hải Dương (ngụ quận 4, TP.HCM) cho biết đến ngày 12-10, kết quả xét nghiệm của ông mới âm tính (tức sau 40 ngày) dù triệu chứng bệnh nhẹ: chỉ ho ít và đau mỏi cơ thể.
“Lúc mới nhiễm tôi xét nghiệm PCR, chỉ số CT - chu kỳ virus là 15,8. Sau 9 ngày, tôi xét nghiệm nhanh âm tính nhưng xét nghiệm PCR vẫn dương với chỉ số CT 28. Nhà có con nhỏ nên tôi luôn cẩn thận, đến ngày thứ 40, tôi tiếp tục xét nghiệm PCR thì chỉ số CT 33, lúc này tôi mới an tâm khỏi bệnh” - ông Dương chia sẻ.
Tương tự, bà Kim Liên (ngụ quận 2, TP Thủ Đức) cho biết cậu con trai 11 tuổi nhiễm COVID-19 gần cả tháng mà kết quả xét nghiệm PCR vẫn dương tính. “Ban đầu nhiễm bệnh, con có ho, sốt nhẹ nhưng sau gần 1 tuần là hết. Tôi muốn kiểm tra kỹ nên dẫn con đi xét nghiệm PCR, mà gần cả tháng vẫn cho dương tính” - bà Liên nói.
Có phải nhiễm COVID-19 kéo dài?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Trương Hữu Khanh - phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM - cho biết đã có những trường hợp xét nghiệm COVID-19 đến 84 ngày vẫn có kết quả dương tính nhưng đó không phải là nhiễm bệnh kéo dài.
“Theo các nghiên cứu, sau khi khỏi COVID-19, xác của virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể bệnh nhân và cần một quá trình để đào thải nên việc xét nghiệm có thể xảy ra dương kéo dài. Đối với người nhiễm biến chủng Omicron thì từ ngày thứ 10 trở về sau nguy cơ lây nhiễm đã không còn. Người dân cũng không cần phải thực hiện xét nghiệm quá nhiều lần, cứ tuân thủ đeo khẩu trang khi tiếp xúc người khác” - bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Đồng quan điểm, bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho hay thường COVID-19 sẽ tự khỏi sau 10 ngày, trong quá trình đào thải xác virus, xét nghiệm nhanh rất khó ra kết quả dương, chỉ có thực hiện PCR mới tầm soát kỹ.
“Sau 10 ngày nhiễm COVID-19 dù xét nghiệm PCR có dương tính thì đó cũng do lượng xác virus chưa đào thải hết, người bệnh đã không còn nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn có nguy cơ tái nhiễm với COVID-19 với một biến chủng khác tương tự như bệnh cúm, vì vậy dù có khỏi bệnh vẫn luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch” - bác sĩ Việt lưu ý.
Các bác sĩ nhấn mạnh, cơ thể khỏe mạnh mới có thể nhanh chóng hồi phục, người bệnh nên giữ tinh thần thoải mái, bổ sung dinh dưỡng để cơ thể tăng đề kháng, tập luyện các bài thể dục nhẹ nhàng.
Có nhóm người hoàn toàn không kháng thể với COVID-19?
Thông tin được đăng trên trang Forbes của Mỹ cho biết một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí về bệnh truyền nhiễm của nước này cho thấy có 36% những người từng bị nhiễm COVID-19 không có kháng thể chống lại SARS-CoV-2 trong máu của họ.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra huyết thanh của 72 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 thông qua xét nghiệm RT-PCR. Chỉ 46 trong số 72 người tham gia có kháng thể chống lại COVID-19.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí eClinical Medicine cũng thông tin 5% trong số 698 người ở Israel có huyết thanh âm tính (không có kháng thể) mặc dù đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Các chuyên gia lý giải hiện tượng này có thể do phản ứng miễn dịch ở những bệnh nhân đó thông qua các cơ chế khác, chẳng hạn như các kháng nguyên khác nhau.
Đồng thời, kháng thể không phải là biện pháp duy nhất để bảo vệ miễn dịch chống lại SARS-CoV-2. Ngay cả khi không có các kháng thể, hệ thống miễn dịch của người bệnh vẫn có thể có các biện pháp phòng thủ khác.
TTO - Bị dương tính COVID-19 kéo dài đến 20 ngày, anh T.V.H. (43 tuổi, Hà Nội) lo lắng sức khỏe của mình sẽ bị ảnh hưởng. Theo TS.BS Hoàng Thanh Tuấn (Viện Bỏng quốc gia), khoảng 20% bệnh nhân mắc COVID-19 anh từng tư vấn gặp tình trạng này.
Xem thêm: mth.27615336121302202-oas-iat-hnit-gnoud-nav-yagn-48-91-divoc-cam/nv.ertiout