Chưa có chế tài mạnh với doanh nghiệp bỏ cọc
Bộ Tư pháp cho biết sau gần năm năm triển khai Luật đấu giá tài sản, việc đấu giá quyền sử dụng đất thu về cho ngân sách số tiền lớn, chiếm tỉ trọng từ 50 - 80% tổng số tiền đấu giá tài sản mỗi năm.
Trong đó, riêng năm 2020 việc đấu giá đất thu về cho ngân sách hơn 81 ngàn tỉ (chiếm tỉ trọng gần 80%).
Về vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, Bộ Tư pháp cho biết có “liên quan trực tiếp tới giá khởi điểm, các điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá được quy định bởi pháp luật về đất đai”.
Cụ thể, khoản 1, khoản 2 điều 8 Luật Đấu giá tài sản quy định giá khởi điểm và việc xác định giá khởi điểm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với tài sản đó trước khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.
Việc doanh nghiệp đẩy giá, rồi bỏ cọc khi trúng đấu giá một số lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm được các cơ quan chức năng nhận định là hành vi gây nhiễu loạn thị trường
Đối với quyền sử dụng đất, Luật Đất đai, Nghị định số 43/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai, Nghị định 45/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất và các nghị định sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể cách thức xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo đó, Bộ Tư pháp cho hay việc xác định giá khởi điểm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản.
Về vấn đề này, cuối năm 2021, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ TN&MT làm việc với các bộ ngành, địa phương để nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về việc xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.
Về tiền đặt cọc tham gia đấu giá và chế tài xử lý vi phạm, Bộ Tư pháp cho hay Luật Đấu giá tài sản quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với mức từ 5-20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Thực tiễn cho thấy mức tiền đặt trước tối đa mà Luật quy định là phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao thì sẽ có ít doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá.
Theo thông lệ quốc tế trong hoạt động đấu giá tại một số nước, doanh nghiệp tham đấu giá không phải nộp khoản tiền đặt trước mà chủ yếu dựa vào uy tín của doanh nghiệp đó. Pháp luật có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.
Tuy nhiên, pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định cấm tham gia đấu giá đối với cá nhân, doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.
Đề xuất chế tài mạnh với doanh nghiệp bỏ cọc
Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng giao Bộ TN&MT rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai, về giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất; điều kiện, yêu cầu về năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá, thời điểm nộp tiền trúng đấu giá và chế tài đối với doanh nghiệp trúng đấu giá đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản trong việc đưa quyền sử dụng đất ra đấu giá, tổ chức xác định giá khởi điểm đấu giá.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Thủ tướng giao các địa phương quán triệt, chỉ đạo người có tài sản đấu giá tại địa phương tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, phê duyệt phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm, giám sát quá trình bán hồ sơ; thẩm tra, đánh giá các điều kiện năng lực người tham gia đấu giá… bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Nghiên cứu cơ chế tiếp nhận, kịp thời xử lý các phản ánh, tố cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về hoạt động đấu giá tài sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Bộ Tư pháp cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 62/2017 quy định biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức bán đấu giá tài sản để đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục đấu giá.