Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh THPT Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Tính đến nay, Hà Nội ghi nhận xấp xỉ 780.000 ca mắc, TP.HCM trên 566.500 ca, kế đến là Bình Dương 336.200 ca, Bắc Ninh trên 217.700 ca và Nghệ An gần 206.000 ca.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện còn trên 2 triệu F0 đang điều trị, nhưng trong số này chỉ có dưới 4.000 người chuyển nặng, số chuyển nặng như vậy đã giảm nhẹ so với tuần trước.
Đáng chú ý số ca tử vong cũng tiếp tục giảm, ngày 12-3 có 62 bệnh nhân tử vong, trong khi trung bình tuần vừa qua ghi nhận 81 ca tử vong/ngày, còn tuần trước đó là 87 ca/ngày.
Tỉ lệ tử vong/tổng số mắc nhờ vậy đã tiếp tục giảm, xuống mốc 0,7%, trong khi cao điểm tỉ lệ này là 2,2%, thời điểm tháng 2 ở mức 1%. Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục theo dõi số ca tử vong, số chuyển nặng và đây là những căn cứ quan trọng khi có thể đánh giá COVID-19 là bệnh lưu hành hay chưa.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TP.HCM: Trẻ em mắc COVID-19 tăng cao
Sở Y tế TP.HCM vừa gửi văn bản khẩn tới bệnh viện công lập và ngoài công lập; trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về việc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ em mắc COVID-19 tại các bệnh viện.
Cụ thể, để chủ động ứng phó với tình huống số mắc ở trẻ em tăng cao, Sở Y tế TP yêu cầu các bệnh viện gồm Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP tăng số giường điều trị tại khoa COVID-19 lên tối thiểu 300 giường (trong đó có 50 giường hồi sức).
Các giám đốc bệnh viện này phải chịu trách nhiệm quyết định cho bệnh nhi mắc COVID-19 điều trị nội trú tại khoa COVID-19 hoặc phòng cách ly tại các khoa lâm sàng khác tùy theo tình trạng bệnh lý của trẻ và phải đảm bảo công tác phòng chống lây nhiễm.
Bệnh viện Nhi đồng 1 làm đầu mối tổ chức họp Tổ chuyên gia điều trị COVID-19 ở trẻ em của 3 bệnh viện nhi, thống nhất và có văn bản tham mưu cho Sở Y tế TP cập nhật chỉ định xét nghiệm sàng lọc ở trẻ em khi đến khám tại bệnh viện để phù hợp với giai đoạn hiện nay của dịch bệnh.
Đối với các bệnh viện quận, huyện, bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi tổ chức khám, sàng lọc, điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em của Bộ Y tế.
Trong những ngày gần đây, trên địa bàn TP ghi nhận số lượt trẻ em là F0 đến khám tại các bệnh viện nhi có xu hướng gia tăng. Chỉ riêng 3 bệnh viện nhi đồng trong TP mỗi ngày có đến hơn 1.000 trẻ là F0 đến khám.
Đặc điểm chung của trẻ mắc COVID-19 là sốt, ho và đau họng, rất ít các trường hợp có dấu hiệu nặng. Theo dự đoán của một chuyên gia, số trẻ là F0 đến các bệnh viện khám có thể tiếp tục gia tăng trong một tháng nữa.
Nhân viên y tế lấy mẫu cho người dân phường 3, quận Bình Thạnh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiêm chủng COVID-19
Bộ Y tế cho biết theo ghi nhận kết quả triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 từ các địa phương, đến ngày 10-3 đã tiêm được hơn 199 triệu liều vắc xin, hầu hết các địa phương đã cơ bản hoàn thành tiêm chủng 2 liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên và đang triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện 170 ngày 23-2 về việc tiêm vắc xin và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành tiếp tục rà soát và lập danh sách người từ 12 tuổi trở lên chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đủ liều cơ bản để khẩn trương tiêm đủ liều, đảm bảo độ bao phủ vắc xin cao.
Đẩy mạnh hơn nữa tiến độ triển khai tiêm chủng mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo đến hết quý 1-2022 phải bao phủ mũi 3 cho những người đã đến lịch tiêm chủng.
Tổ chức tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả theo các hướng dẫn đã ban hành của Bộ Y tế và thực hiện báo cáo kết quả triển khai tiêm chủng kịp thời, theo đúng quy định.
Ngoài tiêm phủ vắc xin cho nhóm trên 12 tuổi, dự kiến tháng 4 tới sẽ triển khai tiêm vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi.
Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm Hồi sức COVID-19, Bệnh viện Dã chiến số 14 (Q.Tân Phú) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 12-3 thông báo ghi nhận thêm gần 30.700 ca COVID-19 mới, giảm hơn 1.100 ca so với 11-3. Thành phố cũng vừa bổ sung 195.000 F0 lên hệ thống cập nhật của Bộ Y tế. Trong 30.693 ca COVID-19 mới vừa ghi nhận ngày 12-3 có 10.779 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (1.836); Thanh Trì (1.732); Hà Đông (1.719); Long Biên (1.713); Sóc Sơn (1.710).
Tính đến hết ngày 11-3, thành phố có hơn 480 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện, thị xã (giảm 100 ca); 4.234 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố (giảm 141 ca) và 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Người dân đến trạm y tế phường xin các giấy tờ xác nhận F0 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
- Yên Bái đến chiều 12-3 ghi nhận thêm 2.186 ca COVID-19 mới, trong đó có 644 ca cộng đồng; ghi nhận 2.572 bệnh nhân đủ điều kiện khỏi bệnh. Lũy kế có 29.451/49.720 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Hiện, tỉ lệ người lớn đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin COVID-19 đạt trên 99%; tiêm từ 2 mũi trở lên đạt trên 99% (trong đó: tiêm 3 mũi đạt 91,5%).
Thời gian qua, diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số ca mắc duy trì ở ngưỡng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày.
- Cao Bằng trong ngày 12-3 ghi nhận thêm 2.442 ca COVID-19, nâng tổng số lên 37.538 ca mắc COVID-19 kể từ khi dịch xuất hiện trên địa bàn. Hiện tại có 17.647 F0 không triệu chứng đang được cách ly điều trị tại nhà và 1.375 trường hợp đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị. Đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 18.490 bệnh nhân đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
- Gia Lai từ ngày 6 đến 12-3, số ca COVID-19 luôn vượt trên 2.000 ca/ngày, riêng ngày 11-3, số ca mắc gần 3.700 ca. Tính từ ngày 26-4-2021 đến sáng 12-3, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 46.577 ca COVID-19, đã có 69 ca tử vong.
Theo đánh giá cấp độ dịch, toàn tỉnh ở cấp độ 2, trong đó có 7/17 huyện, thị xã, thành phố ở cấp độ 3 (mức nguy cơ cao); 66/220 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 (mức nguy cơ cao) và 13 xã, phường, thị trấn cấp độ 4 (mức nguy cơ rất cao). Hiện trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 2 chủng virus là Delta và Omicron; chưa xác định được đỉnh dịch nên dự báo dịch còn diễn biến phức tạp.
TTO - Tỉ lệ ca tử vong trên tổng số ca COVID-19 trong ngày 11-3 là 0,8%. Tỉ lệ này vào hai ngày trước là 0,9% và cách một tuần trước (ngày 4-3) là 1%. Như vậy, tỉ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm cả nước đã giảm.