Chị Trần Trang (31 tuổi, Nam Định) đang phân vân về việc có nên mua nhà sớm tại Hà Nội. Thực tế, trước đó, chị Trang đã có hơn 1 năm tìm nhà để mua nhưng vẫn chưa lựa chọn được căn ưng ý. Khu vực chị Trang tìm kiếm là Hoàng Mai, không có dự án chung cư mới xây trong thời gian gần đây. Đối với loại hình căn hộ cũ, chị Trang gặp phải nhiều vấn đề rắc rối như về tài chính quá cao, chất lượng đi xuống hoặc không có pháp lý.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chị Trang lo ngại rằng, lạm phát tăng mạnh, giá nhà còn tăng theo. Điều này có nghĩa, khoản tài chính mà vợ chồng chị phải bỏ ra sẽ phải nhiều hơn. Khó khăn càng chồng khó khăn do lạm phát cao thì các chi phí sinh hoạt cũng tăng, trái ngược với mức lương đang sụt giảm vì dịch bệnh. Nếu không mua sớm thì việc sở hữu căn nhà sẽ càng trở nên xa vời.
Cũng như chị Trang, anh Trần Tiến (Hoà Bình) rơi vào tâm trạng lo tương tự. Anh Tiến đang chuyển hướng sang mua căn chung cư đã qua sử dụng thay vì dự tính bỏ tiền mua dự án mới. "Khu vực dọc trục đường Phạm Văn Đồng, tôi tìm mỏi mắt mà không thấy khu chung cư nào mới xây. Nếu có toàn toàn dự án cao cấp, quá tiền gia đình tôi. Đó là lý do tôi phải chuyển sang tìm kiếm căn chung cư đã bàn giao 3-5 năm".
Điều anh Tiến phân vân là giá xăng đã tăng, nguy cơ lạm phát cao chắc chắn xảy ra, giá nhà cũng sẽ tăng, cơ hội mua nhà của anh sẽ giảm. Nhưng ở thời điểm hiện tại, giá nhà cũng đã tăng cao, rất khó tìm căn hộ 2 tỷ đồng. "Không biết nên mua bây giờ hay đợi 1-2 năm nữa, giá nhà xuống sẽ mua. Mà cũng chẳng biết, giá nhà có xuống hay không vì lạm phát đang xảy ra".
Theo dự báo của các chuyên gia, giá xăng tăng, giá hàng hoá cũng có xu hướng tăng, vàng biến động, chỉ số lạm phá tăng, nhà đất cũng sẽ đội giá.
(Ảnh minh hoạ)
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho rằng, lạm phát sẽ càng đẩy giá nhà đất tăng thêm dù trước đó, 2 năm Covid, giá bất động sản đã tăng mất kiểm soát.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Kiên, chuyên gia tư vấn bất động sản cho rằng, khi lạm phát xảy ra, bên nắm tài sản sẽ đẩy giá cao lên để trừ trượt giá. Giá bất động sản thiết lập mặt bằng mới. Nghịch lý giá nhà đất sẽ liên tục leo thang nhưng thanh khoản lại ì ạch.
Một thống kê của batdongsan.com.vn ghi nhận, 52% số người tham gia khảo sát cho rằng giá bất động sản tại Việt Nam hiện đang quá cao và là trở ngại lớn nhất đối với những khách hàng mua nhà.
Trong khi đó, thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM lại ghi nhận tình trạng lệch pha cung cầu nghiêm trọng. Cụ thể, nguồn cung sản phẩm căn hộ, đất nền đặc biệt là phân khúc có mức tài chính tầm trung rất khan hiếm.
Theo số liệu của Savills, tỉ lệ nguồn cung nhà ở năm 2021 tại Hà Nội giảm 19% so với năm trước đó và thấp nhất trong 5 năm gần đây. Đặc biệt, phân khúc nhà ở giá bình dân ngày càng trở nên khan hiếm và không có nguồn cung mới cho sản phẩm căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng một m2.
Còn ở TP.HCM, nguồn cung nhà ở năm 2021 so với năm 2020 về tổng số dự án đưa ra thị trường giảm hơn 35% và tổng số căn nhà giảm hơn 14%. Về cơ cấu sản phẩm cũng bộc lộ rõ sự mất cân đối, khi tỉ lệ phân khúc căn hộ bình dân chiếm 0%, phân khúc căn hộ trung cấp chiếm 26%, trong khi phân khúc căn hộ cao cấp chiếm 74%.
Đánh giá về lượng tồn kho bất động sản 2021 của Bộ Xây dựng, nguồn cung hầu hết các phân khúc bất động sản mới của thị trường đều hạn chế. Đối với phân khúc đất nền, TP.HCM gần như không có nguồn cung loại hình này trong suốt nhiều tháng qua.
Sự thiếu hụt nguồn cung, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục kéo dãn giá bất động sản gia tăng. Đối với người mua nhà ở thực, đây chính là trở ngại lớn khi mức tài chính eo hẹp. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, các chi phí sinh hoạt phát sinh trong khi thu nhập bấp bênh vì ảnh hưởng dịch bệnh, giấc mơ sở hữu căn nhà với người dân có thu nhập trung bình càng trở nên khó khăn.
Các chuyên gia cho rằng, người mua nhà cần phải có bài toán tài chính hợp lý bởi việc sử dụng đòn bẩy ngân hàng giai đoạn này rất rủi ro. Nhất là khi thu nhập của người dân đang bấp bênh do tác động của dịch bệnh.
https://cafef.vn/nguoi-mua-nha-ban-khoan-co-nen-xuong-tien-som-truoc-lo-ngai-lam-phat-20220312124013042.chnTheo Triệu Vương
Doanh nghiệp và Tiếp Thị