Bộ trưởng Tài chính sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, ký tờ trình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến cơ quan thường trực của Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua theo quy trình một phiên họp.
Theo đề xuất trước đó của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ giảm một nửa so với hiện hành, tức giảm 2.000 đồng mỗi lít với xăng. Mức giảm với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng mỗi lít, mỡ nhờn là 1.000 đồng mỗi kg, dầu hỏa 700 đồng mỗi lít.
Sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua, quy định này dự kiến có hiệu lực từ 1/4 tới. Sau giảm thuế này, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.
Bộ Tài chính tính toán, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng.
Giá xăng ở Việt Nam được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, và các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp... Nhưng trong mỗi lít xăng, thuế, phí các loại chiếm khoảng 40%, trong đó mức thu thuế bảo vệ môi trường cố định trong mỗi lít xăng, dầu. Cụ thể, mỗi lít xăng đang bị thu 3.800 - 4.000 đồng một lít, tuỳ loại; dầu là 1.000-2.000 đồng một lít, tuỳ loại.
Ngày 11/3, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng mạnh nhất trong lịch sử dù liên bộ Công Thương - Tài chính đã chi 750-1.000 đồng từ Quỹ bình ổn xăng dầu cho mỗi lít xăng, 1.500 đồng cho mỗi lít dầu diesel. Mặt bằng giá bán lẻ trong nước với xăng RON 95 đã lên sát 30.000 đồng một lít, xăng E5 RON 92 là 28.980 đồng, còn dầu diesel 25.260 đồng. Đây là các mức giá cao nhất từ trước đến nay.
So với cuối tháng 12 năm ngoái, mỗi lít xăng RON 95 đã đắt thêm 7.020 đồng; E5 RON 92 là 6.900 đồng, dầu diesel cao hơn 7.930 đồng; dầu hoả tăng 7.590 đồng và dầu madut thêm 5.240 đồng.
Hoài Thu