Các biện pháp trừng phạt đối với tài phiệt Nga do Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ và nhiều nước khác áp đặt đã mở ra một làn sóng đóng băng tài sản trên khắp châu Âu.
Các nước đã thu giữ chiếc du thuyền thuộc sở hữu của tài phiệt Alexei Mordashov ở Imperia (Ý), du thuyền của tỉ phú Igor Sechin ở cảng La Ciotat (Pháp), khu nghỉ dưỡng trị giá 18 triệu USD của đại gia Alisher Usmanov ở Sardinia … và mới nhất tỉ phú Roman Abramovich bị phong tỏa toàn bộ tài sản ở Anh.
"Chúng tôi đang tham gia cùng các đồng minh châu Âu để tìm và tịch thu du thuyền, bất động sản, chuyên cơ riêng của các ông" - Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo các tài phiệt Nga. "Chúng tôi buộc phải hành động vì tài sản mà các ông có được từ nguồn thu bất chính".
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng việc thu giữ tài sản của các tài phiệt Nga thì dễ nhưng quyết định phải làm gì với chúng - ai sẽ được quyền sở hữu số tiền thu được - lại khó khăn hơn nhiều và có thể dẫn đến các vụ kiện tụng kéo dài nhiều năm tại tòa án.
Hình ảnh du thuyền Dilbar của tỉ phú Alisher Usmanov đang bị nhà chức trách Đức "đóng băng". Ảnh: Yacht Express.
Giới chuyên gia pháp lý nói rằng nhìn chung các lệnh trừng phạt không cho phép các quốc gia được quyền sở hữu du thuyền, máy bay hay bất động sản mà họ thu giữ của các nhà tài phiệt.
Theo các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và châu Âu công bố, giới tinh hoa Nga "làm giàu bất chính" và "hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin" sẽ bị "đóng băng tài sản" và tài sản của họ bị phong tỏa không cho sử dụng.
Theo luật của Mỹ và hầu hết các luật ở châu Âu, tài sản bị phong tỏa vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà tài phiệt nhưng chúng không thể sang nhượng hoặc bán. Ví dụ, các ông Sechin và Mordsahov tiếp tục sở hữu du thuyền của họ nhưng tài sản này phải nằm "án binh bất động".
Để thực sự trở thành chủ sở hữu du thuyền hay tài sản xa xỉ của một tài phiệt, các công tố viên chính phủ phải chứng minh tài sản đó "do phạm tội mà có". Theo luật tịch thu dân sự của Mỹ, một tài sản cho dù "do phạm tội mà có" nhưng cũng chỉ có thể bị tịch thu khi có quyết định của tòa.
Chuyên gia luật Cưỡng đoạt tài sản và Rửa tiền Stefan Cassella ở Mỹ cho biết: "Chính phủ phải chứng minh cả việc phạm tội và mối liên hệ với tổng thống Nga của các nhà tài phiệt". Việc này thực sự khó khăn bởi họ có thể biện hộ rằng: "Tôi thực hiện theo đúng luật được áp dụng ở Nga và ở châu Âu".
Hơn nữa, các nhà tài phiệt cũng là "bậc thầy giữ của", theo kênh CNBC (Mỹ). Họ sử dụng các công ty vỏ bọc, quỹ tín thác, khu vực pháp lý nước ngoài và mạng lưới các thành viên gia đình và cộng sự để che giấu quyền sở hữu thực sự của họ.
Các siêu du thuyền hầu như luôn thuộc sở hữu của các pháp nhân riêng biệt chứ không phải cá nhân. Chẳng hạn, siêu du thuyền Dilbar dài hơn 150 m của tỉ phú Usmanov được đăng ký ở Quần đảo Cayman thông qua một công ty có trụ sở ở Malta.
Ngoài ra, việc bảo dưỡng du thuyền trong thời gian bị thu giữ cũng là vấn đề nan giải. Về nguyên tắc, các nhà tài phiệt vẫn chịu trách nhiệm trả tiền cho thủy thủ đoàn, nhân viên, chi phí bảo dưỡng... Tuy nhiên, họ có thể từ chối. Tạp chí Forbes đưa tin 96 thành viên thủy thủ đoàn trên du thuyền Dilbar đã nhận được email thông báo rằng công ty đứng tên con thuyền không thể tiếp tục trả lương cho họ.
Do đó, các chuyên gia luật quốc tế đều chung nhận định "tịch thu tài sản của tài phiệt Nga ở các nước phương Tây thì có vẻ dễ hơn nhiều so với việc xử lý chúng".
Bằng Hưng
NLD
Xem thêm: nhc.43134244131302202-agn-teihp-iat-auc-uht-hcit-nas-iat-yl-ux-uad-uad-yat-gnouhp/nv.zibefac