Trong phiên xét xử phúc thẩm ngày 7/3 tại Toà án Nhân dân huyện Phòng Sơn, Bắc Kinh, Lâm cho biết vợ chồng mình đăng ký kết hôn năm 2010 và có một con gái. Do hai bên sống xa nhau, tình cảm vợ chồng rạn nứt, không có khả năng hòa giải nên anh ta đâm đơn kiện ra tòa yêu cầu ly hôn, con gái sẽ do mình nuôi dưỡng, tài sản chung được chia theo pháp luật.
Song vợ anh cho rằng, trước hết tình cảm vợ chồng đã rạn nứt, không còn khả năng hòa giải nên đã đồng ý chấm dứt quan hệ hôn nhân với chồng. Thứ hai, anh Lâm đã sử dụng tiền tiết kiệm chung trước đó của hai vợ chồng để học Tiến sĩ trong thời gian kết hôn. Số tiền này đáng lẽ được dùng để nuôi con gái, gánh vác các chi tiêu hàng ngày của gia đình.
"Anh Lâm nhận hỗ trợ từ tài sản của gia đình để học tập. Sau khi học xong, công việc và thu nhập của anh cao nhất nhà. Trong khi đó tôi phải nghỉ làm ở nhà thay anh chăm sóc con và làm mọi việc nhà. Do đó, nếu anh lâm yêu cầu ly hôn, anh phải trả tiền bồi thường cho tôi, thức là "phí nội trợ" suốt 5 năm đó", cô giãi bày trước toà.
Cô yêu cầu tòa án đưa ra phán quyết quyền nuôi con thuộc về cô, và chồng cô phải trả tiền cấp dưỡng hàng tháng. Căn nhà mua chung và tiền đặt cọc chung là 300.000 tệ, nên được chia đôi theo luật. Riêng "phí nội trợ" trong 5 năm, cô yêu cầu chồng phải trả 100.000 nhân dân tệ (khoảng 16.000 USD).
Tòa án sơ thẩm đồng rằng quan hệ hôn nhân phải dựa vào tình cảm vợ chồng, nay anh Lâm yêu cầu ly hôn với chị Tân, chị Tân đồng ý và tòa đã xác nhận.
Về cấp dưỡng nuôi con, tòa cho rằng trong vụ án này, con gái của cả hai còn nhỏ, hầu như do người vợ chăm sóc hàng ngày, nên sau ly hôn, con gái sẽ do vợ nuôi. Lâm đồng ý và nhất trí trả tiền cấp dưỡng nuôi con hằng tháng, cũng như việc phân chia căn nhà.
Riêng về khoản bồi thường tài chính, "phí nội trợ" mà người vợ yêu cầu, tòa cho rằng Lâm đã dành phần lớn thời gian để hoàn thành việc học cá nhân của mình trong cuộc hôn nhân. Việc đòi bồi thường 100.000 nhân dân tệ là có cơ sở pháp luật.
Do đó, tòa án sơ thẩm phán quyết rằng Lâm trả cho vợ 100.000 nhân dân tệ tiền bồi thường kinh tế. Song Lâm không chấp nhận bản án sơ thẩm này và kháng cáo. Song tại phiên phúc thẩm, HĐXX quyết định bác đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án ban đầu.
Thẩm phán trích dẫn Điều 1088 Bộ luật Dân sự: "Trong trường hợp một bên vợ, chồng thực hiện thêm nghĩa vụ nuôi con, chăm sóc cha mẹ già, giúp đỡ công việc gia đình, thì có quyền yêu cầu bên kia bồi thường khi ly hôn và bên kia phải bồi thường. Phương thức bồi thường do hai bên thoả thuận thông qua thương lượng, do toà án nhân dân xét xử".
HĐXX cho rằng Giá trị do công việc nội trợ tạo ra là vô hình. Một bên dành nhiều năng lượng và thời gian hơn cho việc nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ già và làm việc nội trợ, tức là đang từ bỏ và hy sinh lựa chọn công việc cá nhân, khả năng thu nhập và cơ hội phát triển của mình để dành những ưu tiên và điều kiện thuận lợi nhất cho vợ/chồng mình. Trong trường hợp ly hôn, bên nào "hy sinh" nhiều hơn cho việc nhà sẽ nhận được khoản bồi thường tài chính từ bên kia.
Trong trường hợp này, trong thời gian kết hôn, anh Lâm đã dành phần lớn thời gian để hoàn thành việc học, cải thiện bản thân và cuối cùng là phát triển sự nghiệp. Điều này có được là do vợ anh dành nhiều thời gian và tâm sức hơn cho việc chăm sóc con cái và nội trợ.
"Việc vợ anh yêu cầu bồi thường 100.000 nhân dân tệ cho việc nhà là hợp lý và hợp pháp, tòa án và toàn xã hội ủng hộ nó", bản án kết luận.
Hải Thư (Theo Yangtse, The Paper)
Xem thêm: lmth.7577344-noh-yl-ihk-ort-ion-ihp-dsu-000-61-gnouht-iob-gnohc-iod-ov/ten.sserpxenv