Là một phần biểu tượng cảnh quan của TP.Nha Trang, thế nhưng trong suốt thời gian dài, núi Chín Khúc được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép cho hàng loạt dự án xây dựng tại khu vực khiến dư luận bức xúc.
Trong suốt nhiều năm, mặc dù dư luận báo chí liên tục phản ánh về các dự án tại khu vực này và đặt ra các nghi vấn về việc làm trái, làm ngơ của cán bộ nhưng sau đó đều không một ai của tỉnh Khánh Hòa trả lời được về tính pháp lý của các dự án đang có hoạt động thi công tại khu vực như DA sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (513,3ha), khu đô thị đồi Đất Lành (131 ha), biệt thự sông núi Vĩnh Trung (19,65ha), dự án mở rộng phía tây khu dân cư Đất Lành (43,8 ha) và dự án biệt thự sinh thái Giáng Hương (19,63ha).
Sau nhiều năm để mặc cho các dự án có các pháp lý triển khai chưa hoàn thiện, chưa có hồ sơ thiết kế, chưa có các biện pháp kỹ thuật tác động lên diện tích được giao để thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng theo quy định; chưa thực hiện làm đường ranh cản lửa theo hồ sơ báo cáo dự án đầu tư đã được thẩm định; chưa xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng đối với diện tích đất được giao để trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ phục hồi môi trường rừng... nhưng các chủ đầu tư đã đào bới, xẻ núi nham nhở.
Liên quan đến vụ việc "làm ngơ” cho các hành vi tùy tiện của các chủ đầu tư nói trên, ngày 8-6-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố điều tra vụ án "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" liên quan đến các dự án sai phạm tại núi Chín Khúc (TP.Nha Trang) và bắt tạm giam các bị can Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh (cùng là nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Lê Mộng Điệp (nguyên Giám đốc Sở TN-MT Khánh Hòa); Lê Văn Dẽ - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa về tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" nhưng thực tế khi cơ quan chức năng vào cuộc ngọn núi Chín Khúc hiện nay đã biến dạng nghiêm trọng...
Với DA Đại Tùng Lâm Hoa Sen do Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen làm chủ đầu tư thể hiện rõ tên trong giấy chứng nhận đầu tư là Dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái BNom Lu Mu. Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 590 tỷ đồng, tổng diện tích mặt đất và mặt nước hơn 567ha. Trong đó, diện tích khu vực 1 gần 428ha gồm đất có rừng hơn 361ha và đất nông nghiệp hơn 66ha.
Thực tế hiện nay tại khu vực này đang có một đại công trình không phép, mọi hoạt động xây dựng đang được khẩn trương triển khai.
Chủ đầu tư đã san gạt đất đai để làm đường xây dựng rầm rộ nhưng có một điều lạ là cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa có bất kỳ động thái ngăn chặn nào, dù đây đều là những công trình nằm ngoài giấy phép do Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp, cũng như quy hoạch không gian kiến trúc do UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.
Điểm tương đồng ở DA này như những gì đã diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa đó là ở thời điểm 2018 - 2019 khi báo chí liên tục có các bài viết phản ánh về hoạt động xây dựng không phép, sai phép trên núi Chín Khúc nhưng cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa không có động thái quyết liệt nào để ngăn chặn.
Một điểm tương đồng khác đó là dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen có tên đầy đủ là Dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái BNom Lu Mu nhưng những gì CĐT đã và đang thể hiện tại đây là những mảng đồi bị cạo trọc trắng hếu, những quả đồi bị đào bới nham nhở nhường chỗ cho các công trình xây dựng.
Được biết, dự án khu du lịch Đại Tùng Lâm Hoa Sen mới được Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp phép xây dựng 1 công trình với 6 hạng mục nhưng bên trong dự án đã mọc lên hàng loạt công trình và đường giao thông kiên cố ngang dọc.
Để đủ điều kiện được cấp Giấy phép xây dựng công trình trong khuôn viên Đại Tùng Lâm Hoa Sen thì chủ đầu tư phải đáp ứng đủ các quy định yêu cầu như: số lượng công trình, quy mô về diện tích, số tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất... của các hạng mục công trình; quyết định phê duyệt thiết kế của đơn vị chủ đầu tư; hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra, hồ sơ thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo quy định...
Theo ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, hiện dự án của Đại Tùng Lâm Hoa Sen mới được UBND tỉnh thỏa thuận quy hoạch mặt bằng dự án của giai đoạn 1, giai đoạn 2 thì thủ tục đầu tư đang hoàn thiện".
Hiện nay, CĐT còn xây dựng lên trên cả phần đất của bà Nguyễn Thị Tương (thửa 200, tờ bản đồ số 12) và bà Tương đang yêu cầu chủ dự án tháo dỡ các công trình, hoàn trả nguyên trạng. Trả lời báo chí về trường hợp xây dựng không phép trên phần đất tranh chấp này, ông Nguyễn Linh Hoạt - Phó chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho rằng: "Đất là của bà Nguyễn Thị Tương nhưng vi phạm xây dựng là của ông Hoa Sen do đó để xác định vấn đề chủ thể cho rõ thì đợi tòa án phán quyết".
Theo phản ảnh của người dân, để có đất phục vụ dự án, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen đã mua lại một quả đồi ở phía đối diện, tiến hành đào múc với khối lượng lớn tạo ra tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông tại Quốc lộ 20 - tuyến đường trọng yếu của các tỉnh miền Đông - Tây Nguyên, nhất là thời điểm vào đầu mùa mưa.
Tuy nhiên, trước thông tin về việc một quả đồi ven Quốc lộ 20 thuộc địa bàn huyện huyện Đạ Huoai đang bị CĐT cho máy múc, đào xới chuyển đất về DA một cán bộ UBND huyện lại cho biết quả đồi này do ông Lê Phước Vũ có nhu cầu cải tạo đất, nghĩa là múc chỗ này san lấp chỗ kia và đã báo cáo UBND tỉnh về trường hợp này?
Ngoài ra, hiện trạng cũ tại dự án trước đây có 2 con suối chảy qua, đây cũng là nguồn nước sinh hoạt, phục vụ tưới tiêu của một số dân trong khu vực nhưng cũng bị chủ đầu tư tác động, đặt cống làm lối đi tạm dẫn tới sinh hoạt và hoạt động canh tác của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau khi bị chính quyền lập biên bản, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen mới thực hiện tháo dỡ ống cống, khơi lại dòng chảy cho con suối.
Xem thêm: lmth.622821_cuhk-nihc-iun-nert-na-ud-uhn-gnod-gnout-meid-oc/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc