GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán - Tin, trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội cho hay Việt Nam đang tồn tại hai hình thức trường THPT chuyên là trường chuyên trong trường ĐH và chuyên của các tỉnh. Mục đích tối cao như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt ra từ năm 1966 khi thành lập các lớp chuyên đầu tiên của Việt Nam là xây dựng đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao cho đất nước.
Một tiết học của học sinh trường THPT chuyên. Ảnh: Diệp An |
“Nếu các GS về dạy tại các trường chuyên ở góc độ này rất tốt. Có thể dạy trực tiếp hoặc các bài giảng chuyên đề. Ví dụ, GS Ngô Bảo Châu về giảng 2-3 buổi sẽ hiệu quả cao vì GS hiểu làm thế nào đào tạo ra một nhà khoa học hàng đầu. Những người như GS Châu sẽ truyền cho học sinh cảm hứng và niềm tin để phấn đấu trở thành các nhà khoa học lớn mang tầm vóc quốc gia, quốc tế. Các nhà quản lý giỏi cũng có thể tham gia giảng dạy ở các trường chuyên THPT, GS Thái nói và lấy ví dụ như hai trường chuyên tại Nga, thường xuyên có các nhà quản lý giỏi tới giảng bài. Đây cũng là những trường đã đào tạo ra các nhà khoa học lớn cho nước Nga, trong đó có ít nhất 2 giải thưởng Field về Toán học.
Năm 2021, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết về việc “Quy định một số chế độ chính sách đối với trường THPT Chuyên Bắc Ninh, 8 trường THCS trọng điểm và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (đối với THCS) cấp quốc gia, khu vực, quốc tế”. Theo đó, các thầy cô có học hàm GS, PGS hoặc Tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại trường THPT Chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, thầy Nguyễn Nho Hòa, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Bắc Ninh cho biết hiện chưa có GS, PGS nào về trường công tác.
Nhưng theo GS Thái, có vẻ như hiện nay, trường chuyên chính là nơi đào tạo ra các giải thưởng quốc gia, quốc tế. “Nếu chỉ nhìn là luyện thi, tôi chắc chắn, các GS không thạo bằng mấy thầy cô giáo dạy trực tiếp. Vì các GS không có mẹo mực để làm bài”, GS Thái nói.
Theo GS Đỗ Đức Thái việc luyện “gà nòi” đi thi kiếm giải quốc gia, quốc tế cho tỉnh, đất nước không có ý nghĩa. Vì bản thân ông cũng từng đoạt giải quốc tế, từng phụ trách đội tuyển quốc gia đi thi quốc tế. Do đó, không thể đặt nó thành mục đích tối thượng dùng để đánh giá, chi phối các hoạt động của trường chuyên. GS Thái cho hay từng chứng kiến có người hai lần huy chương vàng Olympic Toán quốc tế, theo học Toán nhưng xong luận án tiến sĩ là chìm, không làm gì cho Toán nữa.
Tuy nhiên, một GS đang công tác tại trường ĐH Sư phạm TPHCM thì cho rằng GS không thể là giáo viên cơ hữu của trường phổ thông. Vì công việc của GS là làm nghiên cứu ở một phạm vi chuyên ngành rất hẹp còn yêu cầu của giáo dục phổ thông khác hoàn toàn với yêu cầu của giáo dục ĐH.
Trường chuyên chỉ như trường chất lượng cao
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, việc đưa GS, PGS về các trường chuyên hiện nay vướng nhiều thứ. Theo ông, để làm được điều này các trường chuyên của Việt Nam phải vượt ra khỏi “khung” hiện tại thì việc đưa GS, PGS về trường THPT chuyên mới có ý nghĩa bởi trường chuyên hiện nay thực chất đang giống như trường THPT chất lượng cao. Vướng đầu tiên là quy định vị trí việc làm. Luật Giáo dục 2019 quy định GS, PGS là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng tiêu chuẩn do cơ sở giáo dục ĐH bổ nhiệm.
Tiếp theo, khi về biên chế ở trường phổ thông thì GS đã từ bỏ chức danh được trường ĐH bổ nhiệm, trong khi trường phổ thông không có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh GS.
Đứng ở góc độ quản lý một trường chuyên trong trường ĐH, TS Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết: “Chức danh GS, PGS thường phù hợp hơn với việc giảng dạy tại các trường đại học và thiên hướng nghiên cứu khoa học. Với những trường THPT chuyên ở các tỉnh, tôi nghĩ nó sẽ không phù hợp với thực tế hiện nay bởi đơn giản nhiệm vụ, nhu cầu phát triển của trường chuyên cũng không “gần” với nhiệm vụ của một GS, PGS”.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Nguyễn Thị Kim Tuyến cho hay đây mới chỉ là dự thảo đưa ra để lấy ý kiến công luận. Mục đích của chính sách này không phải chỉ để đào tạo, giảng dạy kiến thức cho học sinh trường chuyên của tỉnh mà đó còn là cách để khuyến khích giáo viên trong trường nâng cao trình độ chuyên môn. Và nhiệm vụ quan trọng hơn, nếu có các GS, PGS về làm việc đó là bồi dưỡng đội ngũ giáo viên của trường và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Theo NGHIÊM HUÊ
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.22004038041302202-sgp-sg-nod-gnod-yt-1-maht-iart-hnib-aoh/nv.zibefac