Chị Thúy An là người đầu tiên bán món bánh mì nướng muối ớt ở An Giang - Ảnh: DIỆU QUÍ
Bao ngon, bao rẻ, bao no
Ngày đó, cô học trò 17 tuổi với đứa bạn tuần nào cũng vượt hơn 15km qua huyện kế bên, ánh mắt sáng rỡ, đợi bánh mì nướng muối ớt chín để ăn cho đã mới chịu về.
Nhớ năm học lớp 11, 12, món ăn vặt bình dị này đã tạo nên cơn sốt đối với người trẻ như chúng tôi, cả người trung niên cũng muốn thử như mẹ và cô tôi. Khi đó, tôi chỉ biết ở huyện biên giới Tịnh Biên là nơi bán đầu tiên, rồi len lỏi ra TP Châu Đốc chỗ tôi ở và vài nơi lân cận.
Tuần nào cũng vậy, sau khi học thêm ở trường ra tầm 3h30 - 4h chiều, tôi lại "đá" mắt với nhỏ bạn: "Đi Nhà Bàng ăn bánh mì muối ớt mày ơi!". Vậy là hai đứa đèo nhau trên chiếc xe máy 50cc vượt mười mấy cây số tới quán bánh mì gần Trường THPT Tịnh Biên. Đứng bên lò nướng hít hà mùi bánh mì đã thấy cồn cào trong dạ.
Bỏ vào hộp, chúng tôi chạy thêm vài cây số tới quán thốt nốt gọi hai ly, vừa ăn vừa ngắm cánh đồng thốt nốt dưới nắng chiều trước mặt. Bánh mì muối ớt xứ biên viễn "bao ngon, bao rẻ, bao no" bây giờ được một số nơi biến tấu bằng cách để thêm chà bông, con ruốc, xúc xích..., chớ hồi đó bọn tôi ăn chỉ có gia vị mà đủ chua, cay, mặn, ngọt.
"Ngon muốn xỉu!" là câu bạn tôi hay nói mỗi lần ăn. Thời đó, món này chỉ có 5.000 đồng/ổ, tôi mua ba ổ đủ hai đứa ăn, bữa nào thèm quá thì bốn ổ, ăn xong coi như khỏi ăn cơm chiều.
Tiệm chúng tôi ăn là nơi bán đầu tiên ở Tịnh Biên - nơi được xem là nguồn gốc của món ăn bình dân này. Sau đó nhiều nơi trong tỉnh bắt đầu bán, trong đó có cái quán nhỏ của anh tôi ở Châu Đốc ra đời đầu năm 2016.
Món này trông qua cũng khá đơn giản. Anh tôi đi ăn ở thị trấn Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên) thấy lạ lạ rồi về tự pha nước phết lên bánh mì, sau một tuần thấy giống giống chỗ mình ăn thì mở quán.
Bánh mì nướng muối ớt khi đó một số người chọn làm giống bản gốc ở Nhà Bàng, vài chỗ thì biến tấu thêm nguyên liệu vì sợ khó ăn nếu chỉ phết gia vị.
Anh tôi chọn bán bánh mì nướng muối ớt không nhân, cái khó ở chỗ là pha chế nước muối (tức nước phết lên bánh mì - PV) và nước chấm sao cho ngon để thay cho nhân bánh mì.
Tôi nhớ khi đó anh tôi làm nước muối bằng cách pha sa tế, tỏi, sả, muối, ớt, đường rồi hòa cho đều. Còn nước chấm gồm tương ớt, ớt xay, chanh, muối, đường, bột ngọt quậy đều lên cho sệt.
Bánh mì sẽ được phết nước muối lên bằng cọ, sau đó để vào vỉ ép dẹp rồi nướng bằng lửa than cho gia vị ngấm đều. Nướng chừng 2 - 3 phút cho chín hai mặt rồi cắt từng khúc ra đĩa, mang ra cho khách bên cạnh chén nước chấm.
Quán bánh mì của anh tôi nằm bên hông trường học, mở từ 3h chiều nhưng đông nhất là từ 4h30 trở đi với khách là học sinh. Do quán mở đối diện nhà tôi nên thi thoảng tôi có phụ chạy bàn, lâu lâu cũng... ăn ké.
Thời điểm đó, dù có thêm vài món ăn vặt, song bánh mì nướng muối ớt vẫn là món bán chạy nhất. Mỗi ngày anh bán từ 150 - 200 ổ bánh mì với giá 6.000 đồng/ổ. "Một ngày lời khoảng 200.000 đồng", anh nhớ lại.
Tưởng làm đơn giản, nhưng không!
Bánh mì nướng muối ớt - món ăn vặt đình đám đến từ vùng Bảy Núi gắn với kỷ niệm học trò của tôi suốt hai năm lớp 11 và 12. Sau đó, tôi đi học xa, ít ăn dần. Mỗi lần về quê nếu có thời gian và bạn đồng hành, tôi mới trở lại quán quen.
Đã ăn không biết bao lần, nhưng tới khi viết bài này tôi mới có dịp trò chuyện với chị Nguyễn Thị Thúy An (ngụ thị trấn Nhà Bàng) - người tiên phong về món bánh mì nướng muối ớt ở An Giang.
Trải hơn 10 năm bán món này, chị Thúy An kể mình biết món này nhờ một người cậu làm đầu bếp ở Nha Trang hướng dẫn sơ qua. "Nước chấm bánh mì bắt nguồn từ chấm hải sản ở Nha Trang nhưng về đây mình pha chế đậm đà hơn cho hợp khẩu vị người miền Tây", chị An nói.
Theo chị, nước chấm gồm chanh, ớt, muối, đường, bột ngọt được pha theo liều lượng riêng rồi để vào cối sinh tố xay cho sệt ra để tan đường, nếu đánh bằng tay đường sẽ bị dính cục. Một hũ nước chấm bán được hơn 100 ổ bánh mì. Tôi còn nhớ nước chấm của chị An làm ngon tới nỗi tôi với đứa bạn lần nào ghé mua cũng xin thêm một, hai bịch để về ăn với cơm.
Còn loại nước không thể thiếu để phết lên bánh mì trước khi nướng gồm dầu, tỏi, ớt, sa tế xào trên chảo liên tục. Chị An không giấu nghề: "Xào không chín là tỏi ớt sẽ bị sình lên, còn chín quá phần cái sẽ bị dính lại. Khi hoàn thành, ở trên là lớp dầu, ở dưới lớp cái. Lúc phết lên phải có cả hai, nếu không sẽ bị lạt".
"Nhìn tưởng đơn giản chứ làm cực lắm, phải qua mấy công đoạn", cô chủ quán 39 tuổi cho hay. Nhiều người gợi ý chị thêm một vài nguyên liệu nhân như nhiều quán, vừa đỡ cực vừa bán được giá nhỉnh hơn, song chị vẫn tự tin bánh mì của mình có thể "ăn đứt" nơi khác mà chẳng cần biến tấu thêm gì.
Chị An nhớ lại thời điểm mới ra bán, khu vực xung quanh vẫn còn lụp xụp, cặp mé nhà hầu như không ai buôn bán gì. Thấy chị bán được, các tiệm cũng mọc dài lên chợ, họ cũng chế biến thêm nguyên liệu song chỉ được một thời gian rồi nghỉ.
Hiện Tịnh Biên chỉ còn 3 - 4 quán, song quán của chị An vẫn được kháo nhau mỗi lần nhắc tới bánh mì nướng muối ớt.
Bánh mì muối ớt “ăn tiền” ở bí quyết nước phết lên bánh mì và nước chấm - Ảnh: DIỆU QUÍ
Tỏa đi khắp nơi
Chị Thúy An nhớ thời điểm đắt nhất, mỗi ngày bán trên dưới 300 ổ bánh mì với giá 5.000 đồng/ổ, và mỗi ổ lời không cao nhưng bán được số lượng nhiều.
Hai năm nay, trung bình mỗi ngày chị bán 100 ổ, giá 7.000 đồng, hôm nào hết sớm sẽ tới lò lấy thêm bánh mì. "Học sinh, người lớn ở đây hay mua về ăn, món này ăn chay được nên ngày rằm bán chạy. Rồi khách du lịch ở Long Xuyên, Cần Thơ có đi chơi ngang đây cũng ghé vô mua. Lúc trước dịch, mùa hè có sinh viên tình nguyện xuống An Giang là tôi bán được lắm.
Cuối tuần mười mấy bàn ở đây khách ngồi kín, giờ chủ yếu mua đem về. Có bữa mình nghỉ, khách còn gọi lại hỏi. Mấy mối quen ở xa xa chừng 1 - 2 tuần hay một tháng ghé lại mua chục hộp đem về. Có người còn lại xin bí quyết làm nước muối để về bán hoặc ăn thấy ngon về mở bán", chị An chia sẻ.
Hồi mới bán, chị nghĩ bánh mì nướng muối ớt được ưa chuộng chắc do... trào lưu là lạ nên định bán tầm 3 - 4 năm rồi thôi. Nhưng qua bao năm, dù lượng bánh mì bán ra giảm nhiều so với trước, song chị vẫn có lượng khách nhất định để duy trì.
Cứ như vậy, bánh mì nướng muối ớt từ An Giang lan đến Cần Thơ, rồi lên Sài Gòn, đến tận Đà Lạt, Hà Nội... với cách chế biến tùy từng người và từng nơi.
Ở TP.HCM, một trong những tiệm bánh mì nướng muối ớt nổi tiếng là tiệm Cô Tám (quận 6). Chị Huyền Trân (40 tuổi, con gái chủ tiệm) cho biết quán mở từ giữa năm 2017 sau khi người thân của chị ăn ở Cần Thơ và thấy lạ miệng.
"Lúc còn phong trào, tôi bán mỗi ngày cỡ 1.000 ổ. Chừng 1 - 2 năm nay thì giảm nhiều, chỉ khoảng 100 ổ nhưng cũng có bữa đắt hơn", chị Trân nói. Bánh mì nướng muối ớt ở đây có giá 15.000 đồng/ổ, có thêm con ruốc, chà bông, xốt mayonnaise, tương ớt, mỡ hành...
Một nữ du khách trẻ tuổi từ Sài Gòn không giấu được tiếng cười khi được bà chủ gánh mì O Tho đưa cho ổ mì nhỏ xíu, nhỏ như bàn tay của cô. "Ui chời, nó nhỏ như củ khoai. Nhưng mà thơm tho, ăn vô thì vừa cay vừa mặn thấm thía lắm!".
Kỳ tới: Ổ bánh mì Huế nhỏ như bàn tay con gái
TTO - Hiệu bánh mì ở Hà Nội có lẽ được ghi nhận sớm nhất trong một bài viết năm 1885 của A. Bléton khi viết về phố Hàng Khảm (Hàng Khay và Tràng Tiền ngày nay)
Xem thêm: mth.70670529041302202-neiv-neib-o-to-ioum-gnoun-im-hnab-mal-ohn-9-yk-us-yk-teiv-im-hnab/nv.ertiout