Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết, trong tuần qua, công tố viên Nga đã gửi cảnh báo các công ty như Coca-Cola, McDonald's, Procter & Gamble Co., International Business Machines và chủ sở hữu KFC - Yum Brands. Các doanh nghiệp này bị dọa kiện hoặc tịch thu tài sản, bao gồm cả nhãn hiệu.
Những lời cảnh báo này khiến ít nhất một trong các công ty bị nhắm đến phải hạn chế giao tiếp giữa chi nhánh ở Nga và các chi nhánh còn lại do lo ngại tin nhắn, email bị chặn. Các doanh nghiệp khác đã điều chuyển lãnh đạo cao cấp khỏi Nga.
Hiện tại, người phát ngôn của Coca-Cola, IBM, P&G và McDonald's từ chối bình luận về vấn đề này. Người phát ngôn của Yum cũng từ chối nói thêm ngoài những tuyên bố trước đây về việc dừng hoạt động các nhà hàng KFC và Pizza Hut ở Nga.
Sau khi Nga tấn công Ukraine, một loạt doanh nghiệp phương Tây đã đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động tại Nga. Nhiều công ty, nhất là các nhà bán lẻ và sản xuất, cho biết quyết định ngừng hoạt động của họ chỉ là tạm thời. Một số thì nói rằng rất cần thiết bởi các lệnh trừng phạt gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Theo nguồn tin của Wall Street Journal, bất chấp cảnh báo của công tố viên, một số doanh nghiệp không có ý định thay đổi kế hoạch dừng hoạt động hoặc rời đi khỏi Nga.
Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ sự ủng hộ với luật quốc hữu hóa tài sản của các công ty nước ngoài rời khỏi Nga. Andrei Turchak, Thư ký Đảng Nước Nga thống nhất cho rằng động thái trên sẽ ngăn ngừa tình trạng mất việc làm và duy trì khả năng sản xuất trong nước của Moskva.
Văn phòng Công tố Nga hôm cho biết, họ sẽ đảm bảo các công ty đã thông báo dừng hoặc rút khỏi thị trường phải tuân thủ luật lao động của đất nước này. Theo Trường Quản lý Yale, hiện tại, hơn 350 công ty nước ngoài thông báo sẽ rời bỏ hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga.
Ở chiều ngược lại, Washington đã cảnh báo nỗ lực quốc hữu hóa của Moskva. Jen Psaki, Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết: "Bất kỳ nỗ lực phi pháp nào của Nga nhằm thu giữ tài sản của các doanh nghiệp sẽ dẫn đến hậu quả kinh tế nặng nề hơn".
Tú Anh (theo WSJ)