Thăm khám bệnh nhi có triệu chứng ho tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Ho, khàn giọng là những triệu chứng hay gặp khi nhiễm COVID-19 và có thể kéo dài sau khỏi bệnh. Dù là triệu chứng thường gặp nhưng nếu kéo dài, không có phương pháp điều trị đúng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
Sau hết COVID-19 vẫn cứ ho dai dẳng
Dù âm tính hơn một tuần nhưng triệu chứng ho của chị L.T.T.B. (38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) vẫn không thuyên giảm. Chị B. cho biết biểu hiện ho chị gặp phải rất "lạ", "như giả vờ" vì ho chỉ vài cái kèm tằng hắng. Chính vì vậy, chị B. nghi ngờ bản thân còn dương tính nên test nhanh để kiểm tra lại và kết quả vẫn âm tính.
"Tôi cũng nghe nhiều người không dứt được cơn ho dù âm tính. Tôi ho không gây quá mệt người nhưng lại khó chịu, kéo dài làm cổ họng hay khô. Không những vậy, ho trong lúc làm việc khiến tôi ngại với đồng nghiệp", chị B. nói và chia sẻ thêm bản thân thường xuyên ngậm kẹo bạc hà, uống nước ấm để giảm cơn ho.
TS.BS Nguyễn Ngọc Minh (giảng viên bộ môn tai - mũi - họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) chia sẻ ông từng tư vấn, thăm khám nhiều trường hợp ở mọi độ tuổi gặp tình trạng ho sau âm tính COVID-19.
Ho ở bệnh nhân sau khỏi COVID-19 mà ông thăm khám rất đa dạng. Từ ho từng tiếng một rải rác trong ngày đến ho sặc sụa, đột ngột, chảy nước mắt hay ho dai dẳng kéo dài ngày này qua ngày khác. Ở những bệnh nhân có sử dụng máy lạnh thường bị ho nghiêm trọng hơn, đặc biệt về đêm.
"Với biến chủng mới Omicron và ai cũng đã tiêm đủ vắc xin thì việc điều trị trong lúc nhiễm COVID-19 đơn giản hơn nhiều vì chỉ 7-10 ngày thì thường khỏe trở lại. Nhưng một khi để có di chứng hậu COVID-19 thì việc điều trị khó gấp nhiều lần và có khi điều trị không khỏi", TS Minh chia sẻ.
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM, sau khi khỏi COVID-19 nhiều người gặp phải tình trạng ho kéo dài tương tự như trường hợp người bị cảm. Cơn ho có thể xuất hiện trong mọi hoạt động như khi cười, nói, hít phải luồng không khí lạnh... cũng ho, gây ảnh hưởng sinh hoạt, làm thức giấc vào ban đêm.
Nằm lòng những 'nguyên tắc' phòng ho kéo dài
Cũng theo bác sĩ Khanh, đa phần bệnh nhân sau COVID-19 sẽ bị ho khan, ít khi ho có đờm. Nguyên nhân chủ yếu từ bản thân người bệnh có cơ địa dị ứng, người có bệnh lý trào ngược sẵn có, hoặc do sự kích thích trung khu thần kinh ở dọc đường hô hấp gây ho.
TS.BS Minh cho biết thêm, ho sau nhiễm COVID-19 là do niêm mạc các cơ quan phản xạ ho trên đường hô hấp như họng, thanh quản, khí quản, phế quản… bị kích thích từ lúc nhiễm COVID-19 rồi kéo dài sau khỏi bệnh.
Bên cạnh đó, ho còn do viêm phế quản, viêm phổi, xơ phổi trong thời gian nhiễm COVID-19 ở những bệnh nhân nặng, khiến phổi sau này không hoạt động bình thường, dễ kích thích, thiếu độ giãn nở…
"Chúng kích thích viêm, di chứng hậu COVID-19 cộng với môi trường và nhiệt độ bên ngoài sẽ ảnh hưởng cơn ho và mức độ ho", TS Minh nói.
Để tránh di chứng ho sau khỏi COVID-19 cũng như những di chứng khác, TS Minh cho rằng có những "nguyên tắc". Thứ nhất, người dân cần phát hiện sớm nhiễm COVID-19 và điều trị đúng mức ngay từ ngày nhiễm đầu, trong đó có biện pháp dễ áp dụng là tập thở tại nhà, để tránh được di chứng ho kéo dài, xơ phổi, khó thở.
Thứ hai, khi đã có biểu hiện ho từ lúc nhiễm COVID-19 đến sau khi đã khỏi, ngoài tập thở, cần theo dõi sức khỏe, hạn chế tối đa ăn uống đồ lạnh... Nếu tình trạng ho không cải thiện nên đến các các cơ sở y tế thăm khám, điều trị.
Còn bác sĩ Khanh hướng dẫn người dân nên đến cơ sở y tế để khám và đánh giá nguyên nhân gây ra tình trạng ho kéo dài, từ đó mới có phương án điều trị phù hợp. Ngoài ra, cũng có thể tự làm giảm cơn ho bằng các cách như: tập thở bằng bụng, uống nước ấm, ngậm kẹo giảm ho, uống đủ nước tránh khô họng...
F0 bị khàn giọng, phải làm sao?
Theo các chuyên gia y tế, trong quá trình nhiễm COVID-19, một số bệnh nhân không gặp triệu chứng ho, nhưng lại bị khàn giọng, thậm chí mất tiếng. Nguyên nhân bởi virus khi xâm nhập qua đường hô hấp sẽ gây ảnh hưởng đến các mô trong hệ thống hô hấp, trong đó có thanh quản, gây ra tình trạng đau họng, khàn giọng.
Để cải thiện tình trạng trên, bệnh nhân cần bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày, từ 1,5 đến 2 lít. Bên cạnh đó, tránh các thức uống quá lạnh, đồ uống có gas, có cồn, có chứa caffeine.
Hạn chế các món nhiều gia vị như chua, cay, dầu mỡ. Khi tình trạng trên kéo dài hơn 3 ngày vẫn không giảm thì nên liên hệ bác sĩ để được thăm khám và kiểm tra vì ngoài COVID-19, việc đau họng, khàn giọng có thể là biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp cấp trên.
TTO - Sau khi mắc COVID-19, nhiều người 'khủng hoảng' bởi những cơn ho kéo dài kèm các triệu chứng đau ngực, mệt mỏi, khó thở, thậm chí có di chứng rối loạn đông máu có thể dẫn đến đột quỵ.
Xem thêm: mth.90152838041302202-oas-iv-iort-gnaht-gnah-oh-nav-am-91-divoc-iohk/nv.ertiout