Lạm phát lương thực
Việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đang đe dọa các loại cây trồng chủ lực ở quốc gia là nguồn cung ngũ cốc quan trọng nhất châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc giá lương thực leo thang vốn đã gây khó khăn cho người tiêu dùng khắp thế giới còn có thể trở nên tồi tệ hơn, làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn diện.
LHQ mới đây cảnh báo rằng, giá lương thực toàn cầu đã ở mức cao kỷ lục còn có thể tăng thêm 22% do mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine sẽ kìm hãm hoạt động thương mại và giảm sản lượng thu hoạch trong tương lai.
Các quốc gia nhập khẩu ngũ cốc Ukraine với số lượng lớn nhất.
Ngũ cốc là loại lương thực "nuôi sống" cả thế giới, với lúa mì, ngô và gạo chiếm hơn 40% tổng lượng calo mà con người tiêu thụ. Cước phí vận chuyển tăng, lạm phát giá năng lượng, thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu lao động đã khiến hoạt động sản xuất lương thực trở nên khó khăn hơn. Nguồn cung hiện tại cũng đang sụt giảm: các kho dự trữ ngũ cốc chuẩn bị ghi nhận mức giảm 5 năm liên tiếp, theo Uỷ ban Ngũ cốc Quốc tế (IGC). Tình hình chiến sự ở Ukraine có thể sẽ đẩy mức giá lên cao hơn nữa và làm tăng khả năng nạn đói xảy ra ở mức cao chưa từng thấy.
Giá lương thực toàn cầu đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ số theo dõi giá lương thực của LHQ đã tăng hơn 40% trong 2 năm qua. Tình trạng mất an ninh lương thực đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian này và ước tính có 45 triệu người đang đứng trước bờ vực của nạn đói. Thị trường nông sản cũng chứng kiến giá tăng vọt. Giá lúa mì trên sàn Chicago đã đạt đỉnh hôm 8/3, ngô và đậu tương cũng đang giao dịch ở gần mức cao nhất trong nhiều năm.
Chủ nghĩa bảo hộ lương thực
Chính phủ các nước đang nỗ lực xây dựng nguồn cung "gần nhà" hơn, đây là động thái có khả năng kéo dài tình trạng lạm phát lương thực. Hungary, Indonesia và Argentina là một trong số các quốc gia đã áp đặt rào cản thương mại đối với hàng nông sản xuất khẩu, từ lúa mì đến dầu ăn nhằm nỗ lực hạ giá và bảo vệ nguồn cung trong nước khi tình hình chiến sự leo thang.
Nga đã đẩy mạnh xu hướng này khi đưa ra các kế hoạch hạn giao thương một số loại nguyên liệu thô. MHP SE - hãng xuất khẩu lương thực lớn của Ukraine, đã hạn chế xuất khẩu để cung cấp cho quân đội và người dân ở vùng chiến sự.
Theo Steve Mathews - trưởng bộ phận chiến lược tại Gro Intelligence, các quy định hạn chế thương mại mới có thể khiến giá lương thực thế giới tăng cao hơn nữa do nguồn cung bị thắt chặt. Ông nói: "Điều này làm tăng mối lo ngại về lạm phát."
Các nhà cung cấp lương thực khác trên thế giới đã nỗ lực giảm áp lực thiếu hụt trong kho dự trữ của họ. Ví dụ, Ấn Độ tăng xuất khẩu lúa mì trong những năm gần đây, có thể đưa mức xuất khẩu lên cao kỷ lục là 7 triệu tấn nếu xung đột kéo dài.
Song, nhiều quốc gia vốn có khả năng bù đắp sự thiếu hụt lại đang phải đối mặt với các vấn đề về sản xuất. Tại Brazil - nhà cung cấp ngô và đậu nành chính, hạn hán đã khiến cây trồng bị khô héo. Thời tiết khô hạn cũng khiến những cánh đồng ở Canada và Mỹ khô cằn vào năm ngoái.
Các sản phẩm đầu vào để sản xuất lương thực
Giá phân bón tăng kỷ lục.
Mọi thứ dùng để sản xuất lương thực, thực phẩm đang ngày càng đắt đỏ hơn. Nga - nhà cung cấp lớn của các loại chất dinh dưỡng cho cây trông, đã thúc giục các nhà sản xuất phân bón cắt giảm xuất khẩu vào đầu tháng này. Đây là động thái làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào cho cây trồng và gây thêm sự bất ổn cho thị trường toàn cầu khi nông dân ở Brazil - nhà nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới, đang thiếu các sản phẩm cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.
Giá phân bón trên toàn thế giới đã tăng vọt trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt và hoạt động sản xuất gặp khó khăn. Tại châu Âu, giá khi đốt tự nhiên tăng cao - nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất phân bón nitơ, đã khiến 1 số cơ sở phải cắt giảm sản lượng. Giá nhiên liệu - được sử dụng để sưởi ấm chuồng trại và chạy các thiết bị sản xuất thực phẩm, cũng tăng chóng mặt. Tình trạng này càng căng thẳng hơn khi phương Tây cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu khác của Nga.
Nguồn cung từ khu vực Biển Đen
Các tàu chở ngũ cốc dường như đang chuyển hướng khỏi Biển Azov - tuyến đường thủy nằm giữa Nga và Ukraine, nối với Biển Đen. Việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến nguồn cung lúa mì và dầu thực vật của thế giới vào tình trạng hỗn loạn vì các tàu vận chuyển không thể di chuyển. Trong khi đó, Biển Đen lại là thị trường xuất khẩu các loại phân bón lớn.
Tỷ trọng thương mại lúa mì của Nga và Ukraine chiếm 1/4 thế giới.
Tuy nhiên, mối lo ngại về sự an toàn của thủy thủ đoàn và phí bảo hiểm đang là nguyên nhân khiến các chủ tàu không muốn đưa tàu đến Ukraine và Nga. Hơn nữa, lệnh cấm bay cũng khiến các thuyền viên Nga khó có thể trở về nhà.
Cơn sốt mua thực phẩm, hàng hoá
Đối mặt với tình trạng giá nông sản tăng cao không phải là một điều dễ dàng, đặc biệt là với các nước phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Cú sốc này đã lan rộng đến các siêu thị, mối lo ngại giá dầu hướng dương tăng cao đã tạo ra cơn sốt mua hàng lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay cả Indonesia - nước xuất khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, cũng đang thấy căng thẳng. Các siêu thị đã đặt ra giới hạn với việc mua dầu ăn cho người tiêu dùng, vì mỗi người chỉ được mua 1 gói nên một số gia đình còn đưa trẻ nhỏ đến xếp hàng để có thể mua nhiều hơn.
Mối lo ngại về nguồn cung lương thực cũng gia tăng ở 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang mua ngô và đậu tương của Mỹ để đảm bảo nguồn cung, khi Bắc Kinh tăng trường tập trung vào vấn đề an ninh lương thực. Tại Ấn Độ, đà tăng giá bùng nổ của dầu thực vật đang khiến người mua choáng váng và "quay lưng" với loại nguyên liệu này.
Tham khảo Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/03/1270521.htm