Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa), Thủ tướng Lý Khắc Cường (phải) và Phó thủ tướng Uông Dương (trái) trong phiên bế mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 11-3 Ảnh: AFP
Cách sử dụng từ ngữ cho thấy chính quyền Trung Quốc đang ưu tiên cho sự ổn định thay vì tăng trưởng nhanh.
"Leo lên những ngọn núi cao"
Theo thông lệ vào tháng 3 hằng năm, chính quyền Trung Quốc tổ chức hai kỳ họp thường được gọi là lưỡng hội, bao gồm Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Mặt trận Tổ quốc) và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội).
Năm nay, kỳ họp lưỡng hội được rút ngắn xuống còn sáu ngày rưỡi do dịch COVID-19 bùng phát.
Mặc dù bị che khuất bởi tình hình chiến sự tại Ukraine, giới quan sát quốc tế vẫn chú ý đến kỳ họp lưỡng hội này để hiểu rõ hơn về hoạch định chính sách của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ngoài ra, kỳ họp lưỡng hội năm nay có nhiều ý nghĩa khi Trung Quốc dự kiến tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm nay.
Đại hội Đảng lần này cũng đánh dấu cột mốc liệu thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc bao gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường có chuyển giao quyền lực hay tiếp tục lãnh đạo đất nước khi phần lớn các ủy viên Bộ Chính trị hiện nay đều đã đến tuổi nghỉ hưu. Riêng ông Lý Khắc Cường đã xác nhận thôi chức thủ tướng vào đầu năm 2023.
Bản báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nêu rõ năm nay Trung Quốc "sẽ gặp nhiều rủi ro và thách thức hơn", và "phải tiếp tục nỗ lực để vượt qua chúng".
Ông Lý cho rằng có nhiều phức tạp và bất ổn khiến Trung Quốc khó duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh, đặc biệt hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn nhiều, đạt 18.000 tỉ USD vào năm 2021.
Ông nói rằng đạt được tăng trưởng kinh tế cho một nền kinh tế lớn như vậy giống như "leo lên những ngọn núi cao".
Mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2022 Trung Quốc chỉ là 5,5% so với mức tăng 8,1% vào năm 2021.
Tại kỳ họp lần này, Trung Quốc cũng thông báo các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, gồm: tạo ra hơn 11 triệu việc làm mới, giữ cho tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) ở mức khoảng 3%, và khống chế tỉ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP của Trung Quốc ở mức 2,8%, giảm so với mức 3,2% năm ngoái.
Đây cũng được coi là nỗ lực trước những cảnh báo hồi đầu năm của chính quyền Trung Quốc về ba áp lực lên nền kinh tế từ suy giảm nhu cầu tiêu dùng do chính sách "zero COVID", cú sốc nguồn cung, và sụt giảm kỳ vọng về nền kinh tế.
Kỳ họp lưỡng hội năm nay cho thấy chính quyền Trung Quốc hiện đang tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế ở mức vừa phải, duy trì ổn định chính trị xã hội, và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ nhằm tạo công ăn việc làm mới cho nền kinh tế.
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng cũng là dấu hiệu tốt cho các quốc gia trong khu vực hy vọng vào thị trường tiêu dùng với 1,4 tỉ dân.
Tuy nhiên, việc không có chỉ dấu cho thấy chính quyền Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách "zero COVID" trong thời gian ngắn trước mắt sẽ báo hiệu những chính sách nhập khẩu hàng hóa khắt khe và đóng cửa biên giới, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và du lịch của nhiều quốc gia trong khu vực.
Ngăn quan hệ với Mỹ xấu đi
Năm 2022 cũng được dự báo là năm khó khăn với chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong bối cảnh cục diện chính trị quốc tế thay đổi nhanh chóng và sức ép từ phương Tây lên Trung Quốc gia tăng.
Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Ngoài ra, Mỹ và các quốc gia đồng minh đang gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính lên Nga khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ về chính sách đứng bên lề cuộc xung đột.
Cuộc chiến Ukraine mặc dù không được đề cập trực tiếp trong bản báo cáo nhưng nội dung bản báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường thể hiện sự quan tâm tới hệ quả của các yếu tố tác động bên ngoài.
Năm 2021 được coi là một năm đầy biến động đối với Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan.
Trung Quốc vẫn thể hiện không muốn mối quan hệ song phương Mỹ - Trung xấu đi khi Thủ tướng Lý Khắc Cường thể hiện giọng điệu hòa giải, nói rằng mối quan hệ này vẫn "tiến lên phía trước".
Khi được hỏi năm 2022 có nên đánh dấu việc nối lại quan hệ Mỹ - Trung sau chuyến thăm đột phá cách đây 50 năm của tổng thống Mỹ Richard Nixon hay không, ông Lý nhấn mạnh trong buổi họp báo: "Sau khi cánh cửa được mở ra, nó không nên đóng lại".
Điều đáng chú ý là chi tiêu ngân sách quốc phòng Trung Quốc cho năm 2022 đạt 1,47 nghìn tỉ nhân dân tệ (233,5 tỉ USD), tăng 7,1%, cao hơn mức 6,8% vào năm 2021. Chi tiêu quân sự tăng lên dự định sẽ được sử dụng vào việc đẩy mạnh hiện đại hóa vũ khí và cải cách quân đội.
Năm 2021, Trung Quốc cũng đã làm giới chức quân sự Mỹ bất ngờ với tiến bộ quân sự sau hai vụ thử tên lửa đạn đạo siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Về mặt đối ngoại, việc chính quyền Trung Quốc tỏ thái độ không muốn làm xấu hơn mối quan hệ với Mỹ, chứng tỏ quốc gia này vẫn cần Mỹ như là một trong những động lực cho nền kinh tế của họ trong thời gian tới.
Điều này cũng dễ hiểu khi xuất khẩu của Trung Quốc tăng 27,5% vào năm 2021, bất chấp cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng nhanh trong năm 2022 càng làm gia tăng khoảng cách về sức mạnh quân sự của nước này với các quốc gia trong khu vực. Đây cũng là dấu hiệu đáng lo trong thời gian sắp tới.
Số ca COVID-19 tăng cấp số nhân
Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết nước này ghi nhận tổng cộng gần 3.400 ca COVID-19 trong ngày 13-3, bao gồm: 1.807 ca lây nhiễm cộng đồng có triệu chứng, 1.400 ca không triệu chứng, và hàng trăm ca nhập cảnh.
Trong số các ca có triệu chứng được xác nhận trong ngày 13-3, có 1.412 ca ở tỉnh Cát Lâm, tăng gấp 10 lần so với trước đó 1 ngày. Chính quyền tỉnh Cát Lâm thừa nhận đã có những phán đoán sai lầm do thiếu hiểu biết về biến thể Omicron.
TTO - Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, vượt cả dự báo của giới chuyên gia và mục tiêu do chính phủ nước này đề ra.
Xem thêm: mth.3491720141302202-2202-man-gnort-hnid-no-neit-uu-couq-gnurt/nv.ertiout