Tổng thống Latvia Egils Levits đã kêu gọi “sự hiện diện lâu dài” của quân đội Mỹ ở khu vực Baltic trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tổng thống Latvia Egils Levits. Ảnh: GETTY
Trong một cuộc phỏng vấn trong chương trình “State of the Union” của đài CNN hôm 13-3, ông Levits nói rằng sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ trong khu vực là “hoàn toàn cần thiết” để chống lại điều mà ông này nói là “sự gây hấn” của Nga.
“NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) nên củng cố sườn phía đông của mình, khu vực Baltic, Ba Lan, Romania, do đây sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ cho Moscow rằng NATO sẵn sàng bảo vệ các quốc gia thành viên” – ông đề nghị, đồng thời nói thêm rằng “cũng hoan nghênh” quân đội Mỹ Ba Lan và các nước Baltic.
“Chúng tôi cần sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ trong khu vực này” – nhà lãnh đạo Latvia nhấn mạnh.
Ông Levits cáo buộc Nga đang nuôi dưỡng “ý tưởng gây hấn ngoài Ukraine” - điều mà Moscow đã phủ nhận - và cho rằng việc duy trì quân đội NATO thường trực ở khu vực Baltic sẽ là một “phản ứng” đối với cái được cho là mối đe dọa của Nga đối với khu vực.
Trong cuộc phỏng vấn, Levits cũng tuyên bố xung đột giữa Nga với Ukraine “không chỉ là hành động gây hấn chống lại một nhà nước”, mà còn là một hành động “gây hấn chống lại phương Tây” và “chống lại các giá trị của phương Tây”.
Mỹ và NATO cho đến nay chỉ có sự hiện diện luân phiên ở khu vực Baltic, RT cho hay.
Trong một diễn biến liên quan, hãng Interfax-Ukraine ngày 13-3 dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov cảnh báo Lithuania, quốc gia láng giềng của Latvia ở khu vực Baltic, sẽ là nước tiếp theo mà Nga nhắm đến nếu Moscow giành chiến thắng ở Ukraine.
Nga đã nhiều lần tuyên bố nước này không có kế hoạch tấn công các nước khác, khẳng định những hành động của Moscow tại Ukraine chỉ nhằm bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở khu vực Donbass của nước láng giềng.
Vào ngày 21-2, chính phủ ba nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Nga, ngay sau khi Moscow công nhận hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk của Ukraine là các quốc gia độc lập.
Chưa đầy ba ngày sau đó, tức vào ngày 24-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.