Hoà Phát có tồn kho 42.000 tỷ, chiếm hơn một nửa của ngành trong bối cảnh thép tăng
Theo báo cáo tài chính quý 4/2021, Tập đoàn Hoà Phát (mã: HPG) có tổng tài sản 178.235 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 131.511 tỷ đồng hồi đầu năm, tương ứng tăng 35% trong năm.
Lý do chính của việc tăng tài sản mạnh đó là lượng hàng tồn kho của Hoà Phát đã tăng mạnh trong năm qua và đạt 42.134 tỷ đồng vào cuối năm 2021, tăng gần 16.000 tỷ đồng, tương ứng 61,5% so với con số đầu năm. Có thể nói năm 2021, Hoà Phát đã tích trữ lượng hàng tồn kho rất lớn vào cuối năm.
Hoà Phát cũng đang có lượng tiền mặt, tiền gửi có kỳ hạn rất dồi dào lên tới hơn 40.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021.
Trong cơ cấu hàng tồn kho của Hoà Phát, chiếm lớn nhất là nguyên liệu, vật liệu với 19.939 tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy Hoà Phát đã tích trữ một nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất trong cuối năm 2021. Trong khi đó, thành phẩm đạt 9.968 tỷ đồng, hàng hoá đạt 1.196 tỷ đồng, hàng mua đang đi trên đường là 6.128 tỷ đồng…
So với các doanh nghiệp trong ngành tôn thép, lượng hàng tồn kho của Hoà Phát có quy mô lớn nhất. Tuy vậy, ngành tôn thép năm qua, nhiều doanh nghiệp cũng có lượng tồn kho tăng rất mạnh.
Chẳng hạn, Tập đoàn Hoa Sen có lượng tồn kho tăng gấp hơn 2 lần, đạt 12.349 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021. Trong cơ cấu hàng tồn kho của Hoa Sen chủ yếu là thành phẩm, hàng hoá và nguyên vật liệu, hàng hoá đang đi trên đường.
Thép Nam Kim cũng có lượng hàng tồn kho tăng rất mạnh đạt 8.281 tỷ đồng, tăng 256% so với năm trước. Trong cơ cấu doanh thu của Thép Nam Kim, doanh thu từ xuất khẩu gấp đôi với doanh thu từ bán từ thị trường trong nước. Do đó, việc tích trữ lượng hàng tồn kho lớn trong bối cảnh giá thép leo thế giới leo thang cũng khiến doanh nghiệp được hưởng lợi đáng kể.
Một số công ty khác trong lĩnh vực sắt thép cũng có lượng tồn kho tăng mạnh: Tổng công ty Thép Việt Nam (mã: TVN) cũng có lượng tồn kho đạt 6.918 tỷ đồng, tăng 83% so với đầu năm; Công ty cổ phần Đầu tư thương mại SMC (mã: SMC) có tổng lượng tồn kho đạt 2.559 tỷ đồng; TISCO có lượng hàng tồn kho đạt 1434 tỷ đồng….
Giá thép trong nước tăng mạnh, Hoà Phát bị ảnh hưởng giá than phi mã
Nhìn chung tất cả các doanh nghiệp ngành thép đều có lượng hàng tồn kho tăng mạnh tính đến cuối năm 2021. Điều này được giới đầu tư đánh giá là rất tốt trong bối cảnh giá cả thép và HRC leo thang trong những ngày gần đây do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine.
Cụ thể, giá HRC Trung Quốc đang giao dịch ở mức 865 USD/tấn, dù đã giảm nhiệt đáng kể so với mức đỉnh nhưng so với đầu năm 2022 vẫn tăng 105 USD/tấn. Sự tăng giá này đã ảnh hưởng đến giá thép trong nước.
Về giá thép trong nước, ngày 14/3 giá thép đồng loạt tăng vượt 18.230 đồng/kg với các loại thép xây dựng Hoà Phát, riêng loại thép D10 giá thép đạt 18.430 đồng/kg.
Vừa qua, Nga đã tuyên bố cấm xuất khẩu 200 mặt hàng cho đến hết năm 2022 để "trả đũa" các hành động trừng phạt của các nước phương Tây, Mỹ. Ngay sau đó, các nước EU đã có những hành động đáp trả khi Liên minh Châu Âu (EU) đã thông báo sẽ cấm vận nhập khẩu sắt, thép từ Nga.
Nga là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Châu Âu (chiếm 15% thị phần xuất khẩu vào EU, cùng với 2 nước có liên quan là Ukraine và Belarus thì tổng xuất khẩu thép của 3 nước này vào EU chiếm 38%).
Tại EU, Nga và Ukraine lần lượt là 2 quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 2 và 4 vào khu vực này trong 11 tháng đầu năm 2021 với khoảng 21% tổng sản lượng, theo Eurofer.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, EU đứng thứ 3 trong top các thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam chiếm 13% tỷ trọng (tương đương 1,6 triệu tấn) trong năm 2021. Con số này tăng tới hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2020 (2,86%).
Các thị trường nhập khẩu thép lớn của Việt Nam, EU tăng nhập lớn
Do đó việc EU, Mỹ và Nga cấm vận lẫn nhau sẽ ảnh hưởng lớn tới cung cầu ngành thép. EU sẽ phải tìm nguồn cung từ các thị trường mới. Việt Nam có Hiệp định tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với lộ trình ưu đãi thuế quan rất nổi bật. Do đó, giới đầu tư đánh giá các doanh nghiệp xuất khẩu thép như Hoà Phát, Nam Kim, Hoa Sen…sẽ được hưởng lợi từ các lệnh cấm vận, trừng phạt trên.
Với một doanh nghiệp có quy trình sản xuất khép kín từ quặng sắt như Hoà Phát thì cuộc chiến Nga - Ukraine và các lệnh cấm xuất khẩu của Nga vừa được hưởng lợi, vừa ảnh hưởng tiêu cực. Tích cực đó là giá thép tăng, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ, EU và các nước trên thế giới do Nga là nước xuất khẩu thép lớn của thế giới.
Tuy vậy, với Hoà Phát, giá than tăng phi mã do xung đột Nga - Ukraine cũng là "điểm huyệt" của doanh nghiệp. Theo một chuyên gia ngành thép, giá than chiếm tới 25-30% giá thành sản xuất của thép. Do đó việc giá than tăng chóng mặt hiện đang ở mức 368 USD/tấn, mức cao kỷ lục từ trước đến nay được cho là sẽ ảnh hưởng lớn giá thành sản phẩm của Hoà Phát. Tất nhiên, Hoà Phát có thể sẽ tăng giá bán để phù hợp hơn với bối cảnh các nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường thép, doanh nghiệp xây dựng trong nước.
Giá than tăng phi mã "điểm huyệt" vào biên lợi nhuận của Hoà Phát vốn đang rất tốt, cơ hội mở rộng thị trường khi Nga - EU, Mỹ cấm vận lẫn nhau khi doanh nghiệp có tới hơn 42.000 tỷ hàng tồn kho.
Trong báo cáo mới đây, Dragon Capital cũng đánh giá thép Hòa Phát đã tăng giá bán trong thời gian qua, tuy nhiên doanh nghiệp này phải đối mặt với chi phí than cốc tăng mạnh, dẫn đến lợi nhuận trở nên khó dự báo hơn.
Theo Bạch Huệ
Nhịp Sống Kinh tế