Gần đây, người bạn gái cũ Grimes của Elon Musk đã tiết lộ về cuộc sống "dưới mức nghèo khổ", tiếc cả tiền thay đệm thủng của nhà sáng lập Tesla. Câu chuyện chẳng hề bất ngờ khi vị tỷ phú này từng tuyên bố sẽ không sở hữu bất kỳ ngôi nhà nào nữa và bán hết 7 căn bất động sản trong mùa dịch để thu về 130 triệu USD.
Nguyên nhân thì cũng dễ hiểu, Elon Musk muốn dồn tiền cho các dự án nghiên cứu của ông. Thế nhưng với đà lạm phát phi mã hậu đại dịch như hiện nay thì ngay cả Elon Musk cũng phải thừa nhận mọi người nên cất tài sản vào thứ gì đó "hữu hình" như bất động sản.
"Tốt hơn hết là sở hữu những tài sản hữu hình như nhà cửa, cổ phiếu hơn là đồng USD trong thời buổi lạm phát quá cao hiện nay", Elon Musk chia sẻ trong buổi nói chuyện với CEO Michael Saylor của MicroStrategy.
Tất nhiên, nhà sáng lập Tesla này cũng tranh thủ quảng cáo luôn cho tiền số: "Tôi vẫn giữ và sẽ không bán Bitcoin, Ethereum và Doge".
Giá Nikel (nghìn USD/tấn)
Không chịu nổi "nhiệt"
Vào cuối tuần trước, Elon Musk đã đăng bài trên mạng xã hội Twitter, nhưng lần này lại chẳng phải để cổ vũ tiền số mà là nói về lạm phát. Chuyện cũng chẳng khó hiểu khi Tesla và SpaceX đang phải chịu áp lực rất lớn từ đà tăng giá hiện nay của hầu hết mọi nguyên vật liệu.
Mới đây, giá Nikel (thành phần chính sản xuất pin xe điện) đã tăng 66% lên 48.000 USD/tấn để rồi cán mốc 100.000 USD phiên giao dịch 8/3/2022 chỉ trong 18 phút trên sàn London. Tốc độ tăng giá này đã khiến toàn thị trường hỗn loạn.
"Bạn nghĩ gì về tốc độ lạm phát trong những năm gần đây. Cả Tesla và SpceX đang chứng kiến áp lực lạm phát đáng kể do giá nguyên liệu và logistic tăng giá gần đây", Elon Musk viết.
Với bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy hậu đại dịch trong khi thị trường nguyên liệu khủng hoảng vì bất ổn địa chính trị, lạm phát tăng phi mã là điều dễ hiểu. Chỉ số S&P GSCI Index, tiêu chuẩn đo lường những hàng hóa nguyên liệu chính trên thế giới, đã tăng 10% trong tháng vừa qua, đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2008 vào tuần trước.
Giá dầu Brent cũng đã tăng lên mức 140 USD/thùng, cao nhất 14 năm qua vào đầu tháng 3/2022, khiến hàng loạt các nhà máy gặp áp lực cực lớn.
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 đã tăng lên 7,9%, mức cao nhất 40 năm qua khi giá mọi mặt hàng, từ khí đốt đến bất động sản đều đi lên.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) cho thấy giá bán buôn trên thị trường Mỹ tháng 1/2022 đã tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng mạnh thứ 2 trong lịch sử.
Tệ hơn, cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến nhiều nhà máy sản xuất Neon, nguyên liệu quan trọng trong ngành bán dẫn phải ngừng hoạt động. Hai nhà máy là Ingas và Cryon tại Ukraine, chiếm đến 54% sản lượng Neon toàn cầu đã phải dừng hoạt động vì xung đột này.
Xin được nhắc là Neon đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn cũng như chip, vốn là thành phần chính cho những chiếc xe điện của Tesla hay những thiết bị smartphone ngày nay.
Tờ Fortune nhận định việc Musk bán sạch nhà cửa, sống dưới mức nghèo khổ để dồn tiền cho các dự án xe điện hay vũ trụ của ông giờ đây trở nên "không hợp lý" khi lạm phát tăng cao. Tổng tài sản của Musk đã giảm xuống dưới ngưỡng 200 tỷ USD vào tháng 2/2022 do cổ phiếu Tesla mất giá.
Trong tháng vừa qua, giá cổ phiếu hãng xe điện lớn nhất thế giới này đã mất 12% và nhiều chuyên gia dự đoán Tesla sẽ phải tăng giá sản phẩm trong bối cảnh áp lực lạm phát quá cao như hiện nay.
Phải chẳng vị tỷ phú thuộc hàng top thế giới này đang hối hận vì từ bỏ những hầm trú ẩn tài sản của mình để dồn hết tiền cho những dự án mạo hiểm?
*Nguồn: Fortune, Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/03/1271769.htmHuyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị