Theo hãng tin Sputnik, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Mỹ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy quân đội Nga đang cố tình nhắm mục tiêu vào các nhà báo Mỹ ở Ukraine.
"Chúng tôi không có bằng chứng cụ thể nào về điều đó" - ông Kirby nói trong cuộc họp báo hôm 14-3 khi được hỏi liệu quân đội Nga có đang cố ý nhắm vào các nhà báo Mỹ trong chiến dịch quân sự của họ ở Ukraine hay không.
Toàn cảnh trụ sở Lầu Năm Góc ở thủ đô Washington D.C, Mỹ. Ảnh: REUTERS
Trước đó, hôm 13-3, một phóng viên của Mỹ từng làm việc cho tờ The New York Times, ông Brent Renaud, đã bị bắn chết khi chiếc xe chở ông và một đồng nghiệp khác bị trúng đạn tại Irpen, ngoại ô thủ đô Kiev.
Đồng nghiệp của ông Renaud, một nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Colombia cò tên là Juan Arredondo, đã bị thương và nói với một phóng viên khác trong bệnh viện rằng họ bị tấn công trong khi đang lái xe qua một trạm kiểm soát để quay phim những người tị nạn đang rời khỏi TP Irpin.
Liên đoàn nhà báo quốc tế đã đổ lỗi cho Nga về cái chết của phóng viên Renaud, đồng thời khẳng định ông đã "chết sau khi bị lực lượng Nga bắn”.
Trong khi đó, Ủy ban bảo vệ các nhà báo, một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ, đã kêu gọi đưa những kẻ giết ông Renaud “ra trước công lý”.
Chỉ một ngày sau đó, một phóng viên người Mỹ khác, làm việc cho đài Fox News, có tên là Benjamin Hall đã bị thương và phải nhập viện khi đang đưa tin bên ngoài thủ đô Kiev.
Tổng công tố viên Ukraine Irina Venediktova đã đăng một bức ảnh về tình trạng của phóng viên Hall lên trang Facebook của mình và xác nhận Hall đã được đưa đến bệnh viện, nơi ông được “chăm sóc đặc biệt dưới sự giám sát của các bác sĩ”.
Nga đã bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của mình tại Ukraine vào ngày 24-2, nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự của chính quyền Kiev. Bên cạnh đó, lực lượng Nga còn tấn công vào nhiều khu vực dân cư của nước này.
Chiến dịch quân sự của Nga đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ cộng đồng quốc tế, trong đó nhiều quốc gia phương Tây đã tiến hành áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow.