Ngại gom cổ phiếu Trung Quốc
Các nhà quản lý quỹ quốc tế đang rất cảnh giác trước cổ phiếu Trung Quốc, họ không muốn bắt đáy dù thị trường đã lao dốc 75% so với đỉnh.
Mối quan hệ thân thiết giữa Bắc Kinh và Moscow giữa lúc chiến sự tại Ukraine nổ ra, cùng với chính sách chống COVID-19 nghiêm ngặt và sự thiếu rõ ràng về thời điểm kết thúc chiến dịch siết chặt quản lý công đã "dìm" sức hấp dẫn của thị trường tỷ dân.
Hầu hết các nhà đầu tư mà Bloomberg phỏng vấn đều ngần ngại chớp thời cơ gom hàng dẫu định giá chứng khoán Trung Quốc đã sụt giảm tới mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Một số có ý định duy trì vị thế sẵn có, nhưng ít ai định mua thêm.
Ông John Plassard, Giám đốc tại ngân hàng Mirabaud, cho biết: "Chúng tôi vẫn đang né tránh chứng khoán Trung Quốc. Có quá nhiều dấu hỏi về thị trường này". Ông nói thêm rằng Mirabaud đã bán các vị thế cổ phiếu Trung Quốc từ năm ngoái và chưa quay lại.
Chỉ số Nasdaq Golden Dragon, bao gồm các cổ phiếu công nghệ lớn như Alibaba, Baidu và NetEast, đi xuống 11,7% chỉ riêng ngày 14/3. Chỉ số này giảm 29% trong ba phiên giao dịch liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2013.
Chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong cũng bị bán tháo mạnh phiên đầu tuần, ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cụ thể, chỉ số Hang Seng China Enterprises đóng cửa giảm 7,2%, thiệt hại lớn nhất kể từ tháng 11/2008.
Nhà đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán Trung Quốc sau khi các quan chức Mỹ tiết lộ Nga đã nhờ Trung Quốc trợ giúp quân sự trong chiến sự tại Ukraine. Trung Quốc bác bỏ thông tin nhưng nhà đầu tư lo ngại bất kỳ lệnh trừng phạt nào giáng vào Bắc Kinh cũng có thể làm trầm trọng thêm rắc rối chuỗi cung ứng và làm suy giảm tăng trưởng toàn cầu.
Bà Jian Shi Cortesi, nhà quản lý danh mục Trung Quốc và châu Á tại GAM Investments, khẳng định chính nỗi lo các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga sẽ lan sang cả Trung Quốc đang đè nặng áp lực lên chứng khoán Trung Quốc.
Theo bà Cortesi, bước ngoặt sẽ chỉ đến khi đợt bán tháo chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của cổ phiếu Trung Quốc "cạn kiệt" và khủng hoảng Ukraine được giải quyết.
Ở diễn biến khác, các nhà phân tích của JPMorgan Chase đã hạ xếp hạng của 28 cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và Hong Kong vào hôm 14/3. Họ nói bước chuyển trên phản ánh rằng thị trường ngày càng tin vào rủi ro địa chính trị tại châu Âu và e ngại về các chính sách sắp tới của Trung Quốc.
Tâm lý nhà đầu tư cũng bị tổn thương do Trung Quốc phong tỏa Thâm Quyến, trung tâm công nghệ quan trọng và tỉnh Cát Lâm ở phía bắc nước này nhằm kiểm soát COVID-19.
Ông Julien Lafargue, Giám đốc đầu tư tại Barclays Private Bank, nói: "Nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ cần một giai đoạn ổn định lâu dài trước khi ồ ạt quay lại Trung Quốc".
"Trong bối cảnh có quá nhiều yếu tố làm phát sinh lại áp lực lên thị trường Trung Quốc, chẳng có gì ngạc nhiên khi cổ phiếu Trung Quốc thua kém cổ phiếu quốc tế".
Bán thanh lý
Chỉ số Nasdaq Golden Dragon hiếm khi được định giá thấp hơn S&P 500. Với hệ số P/E hiện tại là 14 lần, Nasdaq Golden Dragon đang ở mức chiết khấu cao nhất so với S&P 500 kể từ năm 2008.
Đối với ông Peter Kisler, nhà quản lý danh mục tại Trium Capital, cuộc bán tháo là cơ hội để sở hữu thêm cổ phiếu công nghệ Trung Quốc.
Ông Kisler cho biết: "Chúng tôi đang tăng thêm vị thế ngay ngày hôm nay vì có vẻ như thị trường đang tổ chức đợt bán thanh lý. Tôi nghĩ việc cổ phiếu Nga rớt giá về 0 đã hù dọa rất nhiều nhà đầu tư và họ cho rằng có thể sự kiện tương tự sẽ lặp lại ở Trung Quốc".
Ông Xiadong Bao, nhà quản lý quỹ thị trường mới nổi tại Edmond de Rothschild Asset Management đang dần dần gia tăng vị thế. Nhưng ông cảnh báo "có vẻ vẫn còn quá sớm trở nên sang lạc quan với các yếu tố hiện tại".
Trong khi đó, hầu hết các nhà quản lý quỹ vẫn án binh bất động – ít nhất là cho đến lúc này. Lưu ý của Bocom International viết: "Bắt đáy ở Hong Kong lúc này chẳng khác gì hấp tấp bắt lấy con dao đang rơi".