Phép thử tầm quan trọng nguồn cung khí đốt của Nga đối với châu Âu
Khi cuộc xung đột ngày càng trở nên sâu sắc ở biên giới Ukraine, sự phụ thuộc lâu dài về năng lượng lẫn nhau giữa Nga và phương Tây đã trở thành một phần thương lượng quan trọng cho cả hai bên.
Nước Nga giàu khí đốt và dầu mỏ được liên kết với các thị trường năng lượng châu Âu thông qua một loạt đường ống quan trọng. Đường ống lớn nhất chảy qua Ukraine đã trở thành điểm nghẽn cho cả hai bên trong các cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng đang gia tăng.
Năm ngoái, lượng khí đốt được cung cấp đến châu Âu thông qua các đường ống của Ukraine đã giảm 25% và lo ngại về sự gián đoạn tiếp theo đã gia tăng với sự tăng cường của quân đội Nga gần biên giới Ucraina.
Việc các quốc gia châu Âu lo lắng chính là vấn đề nhập khẩu năng lượng bởi châu lục này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn năng lượng bên ngoài do các nước tập trung vào phát triển các giải pháp năng lượng xanh thay thế. Dữ liệu từ Reuters cho thấy vào năm 2019, 60% nhu cầu năng lượng của Liên minh châu Âu phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài.
Trong hai nguồn năng lượng chính - khí đốt và dầu mỏ - EU phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn khí đốt tự nhiên của Nga. Với trữ lượng khí đốt dồi dào, gần các mỏ dầu và mạng lưới đường ống hiện có rộng khắp, Nga gần như sở hữu miếng bánh thị phần khí đốt của EU với khoảng 38% tổng nguồn cung. Na Uy, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất nội khối, chiếm một nửa số đó, chỉ 19% thị trường.
Phá vỡ sự phụ thuộc
Cả châu Âu và Nga đều đã có những động thái nhằm đa dạng hóa thị trường năng lượng của họ, điều này có thể là những nét vẽ đầu tiên hình thành nên bản đồ năng lượng mới của thế giới.
Nga đã đồng ý một hợp đồng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong vòng 30 năm thông qua một đường ống mới và sẽ thanh toán bằng đồng euro, củng cố một liên minh năng lượng với Bắc Kinh.
Đức tuyên bố ngừng triển khai đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD. Ảnh: AFP
Khí đốt có thể đến từ các mỏ ngoài khơi Sakhalin của Nga, bao gồm cả Yuzhno-Kirinskoye, nơi đang bị Washington áp đặt lệnh trừng phạt vào năm 2015 – sau câu chuyện bán đảo Krym. Vậy là Nga từ vị trí "bạn hàng" của châu Âu thì nay đã chuyển hướng sang thị trường tỷ dân Trung Quốc.
Về phía châu Âu, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, mặc dù vẫn bị chia rẽ về việc có nên đặt ra một mức trần về giá khí đốt và áp đặt trừng phạt lên việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga hay không. Các kế hoạch giảm sử dụng khí đốt từ nhà cung ứng hàng đầu của châu Âu sẽ bắt đầu trong năm nay và sẽ chấm dứt nhập khẩu khí đốt từ Nga trong vòng 1 thập kỷ tới. Theo một bản dự thảo được tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại Versailles (Pháp), các lãnh đạo EU dự kiến sẽ nhất trí giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga, nhưng chưa đưa ra thời hạn cụ thể. Phương Tây đã hy vọng họ có thể bổ sung dầu từ các nguồn khác, bao gồm từ các thành viên OPEC là Iran và Venezuela.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cam kết tăng sản lượng các chất dẫn xuất từ dầu mỏ, hóa dầu và khí đốt trong năm nay. Ảnh: NBC News
Trong khi đó, một phái đoàn của Mỹ cũng đã có chuyến thăm đến đồng minh của Nga là Venezuela - quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới hồi cuối tuần trước.
Venezuela đã phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế kể từ thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này đã làm suy giảm khả năng bán dầu của quốc gia Nam Mỹ này. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đáp lại chuyến thăm của phái đoàn Mỹ bằng tuyên bố rằng công ty dầu khí nhà nước PDVSA đã sẵn sàng để nâng sản lượng lên tới 3 triệu thùng/ngày nhằm đáp ứng nguồn cung "cho thế giới".
UAE là nét vẽ quan trọng trên bản đồ năng lượng thế giới
UAE có thể là mắt xích quan trọng trong bình ổn nguồn cung dầu cho thế giới. Ảnh: Financial Times
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi năm 2020, nhu cầu về dầu nói chung trên toàn thế giới ở mức rất thấp do các lệnh phong tỏa toàn cầu, mọi người đều hạn chế đi lại và không cần đổ nhiều xăng. Ngay cả các "chiến mã" ngốn xăng dầu nhất như máy bay, du thuyền cũng "ngồi yên một chỗ". Với nhu cầu giảm, giá dầu cũng giảm theo.
Đến lượt OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng để hỗ trợ giá. Kể từ đó, họ đã giữ các mục tiêu sản xuất ở mức thấp, chỉ tăng dần sản lượng ở tốc độ vừa phải, ngay cả khi nhu cầu về dầu và xăng tăng trở lại sớm hơn dự kiến.
Điều đáng chú ý, Nga là một thành viên của OPEC+. Vì thế OPEC+ không cần phải vội vàng giải cứu vào thời điểm hiện nay. Kể cả từ nhiều tháng trước khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, nhóm này đã nói rõ rằng không có kế hoạch mở các vòi dầu sớm.
Nhưng quan điểm sắt đá này vẫn có thể bị lung lay. Đại sứ Các Tiểu vương quốc A Rập thống nhất (UAE) tại Mỹ đã nói với hãng tin CNN hôm 9/3 rằng nước này muốn tăng sản lượng dầu và sẽ khuyến khích các đối tác trong OPEC+ cũng làm như vậy. Tuy nhiên sau đó, trên Twitter, Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE thông báo quốc gia này sẽ tuân theo thỏa thuận OPEC+ và từng bước nâng cao sản lượng. Ngay sau đó, Bộ Dầu mỏ Iraq cũng cho biết, các nhà lãnh đạo của họ đã họp và nhất trí với các đối tác OPEC+ nên cân bàng cung và cầu để ổn định thị trường.
Lộ trình loại bỏ sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga
Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên của EU cho biết một số quốc gia đang đặt năm 2030 là thời hạn cho nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, một số đề xuất cho rằng nên đặt mục tiêu này vào năm 2027, một số quốc gia thậm chí muốn ngừng ngay bây giờ.
Các lãnh đạo sẽ nhất trí các bước đi như tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và triển khai dự án sản xuất năng lượng tái tạo nhanh hơn để tạo điều kiện cho sự chuyển đổi. Bản dự thảo cho biết Ủy ban châu Âu nên đưa ra một kế hoạch trong tháng này nhằm "đảm bảo an ninh cung ứng và giá cả năng lượng phải chăng cho những tháng tới".
Đài RFI dẫn nguồn giới quan sát cho rằng đối với EU hiện nay, nguồn cung tuy nhiều nhưng khó bù đắp vào khoản thiếu hụt to lớn, và chưa tính đến yếu tố cơ sở hạ tầng. EU có thể quay sang các nhà cung cấp nội bộ như Hà Lan, Na Uy, hay ngoài châu Âu như Algeria hay Azerbaidjan... Tuy nhiên, những nguồn cung này chỉ có thể cung cấp cho EU một khối lượng nhỏ, khoảng gần 10 tỷ m3 trong tổng số cầu là hơn 155 tỷ m3.
EU cũng có thể trông cậy vào Mỹ và Qatar với nguồn LNG để thay thế khoảng 20 tỷ m3 khối khí gas. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi cảnh báo EU chớ có quá kỳ vọng vào nước này để thay thế hoàn toàn nguồn cung ứng Nga.
Nhiều nước cho rằng Qatar có thể cung cấp và thay khí đốt Nga, nhưng tôi đã từng tuyên bố chính thức rằng nước Nga đã bảo đảm từ 30-40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Tôi nghĩ không một nước nào có thể thay thế được ngần ấy khối lượng. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp những gì sẵn có cho châu Âu. Chúng tôi sẽ làm mọi khả năng để giúp cho châu Âu.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar SAAD SHERIDA AL-KAABI
Triển khai nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo cũng là một hướng đi được giới chuyên gia cổ vũ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng với kế hoạch trung hòa khí carbon từ đây đến năm 2050 của EU được thông qua hồi đầu năm, nếu châu Âu có thể triển khai ồ ạt các nguồn năng lượng như mặt trời, điện gió, sinh khối cùng với thủy điện và có thể đạt thêm sản lượng 35 terawatt giờ hơn dự kiến, thì khối này có khả năng không cần phụ thuộc vào khoảng 6 tỷ m3 khí của Nga. IEA khuyến nghị các nước thành viên xem xét hoãn các kế hoạch đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân, một nguồn năng lượng giờ được cho là ít thải khí carbon nhất.
Cuối cùng, một trong số giải pháp được cho là triệt để và khó thể bỏ qua cũng được giới báo chí và chuyên gia Pháp những ngày qua nhắc nhiều đến đó là "Tiết kiệm năng lượng". Hạ nhiệt 1°C hệ thống sưởi ấm các tòa nhà và khu dân cư cho phép tiết kiệm được khoảng 10 tỷ m3. Để cho biện pháp này đạt hiệu quả năng lượng cao, việc xử lý cách nhiệt tốt cũng giúp giảm bớt một lượng tiêu thụ khí đốt thêm 2 tỷ m3.
Trước khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ, thị trường hàng hóa toàn cầu đã trải qua cuộc khủng hoảng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Theo báo Economist, nếu xung đột Nga - Ukraine gia tăng hơn nữa thì nó sẽ gây tác động lớn đến các công ty tư nhân và đời sống người dân, đặc biệt là ở các nước nghèo. Ngay cả ở những nước có nền kinh tế phát triển như Đức, người dân cũng sẽ phải cảm nhận cái lạnh mùa đông thêm rõ rệt hơn.
Giá xăng và dầu tại Đức ghi nhận hôm 8/3 vừa qua. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đặt câu hỏi rằng: "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong vòng 3 tuần tới Đức chỉ còn có vài ngày có điện do ban hành cấm vận nguồn cung khí đốt từ Nga? Dù ngày mai, tại Đức và châu Âu, ánh đèn bị tắt, vậy điều đó có ngăn chặn được cuộc xung đột hay không?" Rõ rằng, khi bản đồ năng lượng mới của thế giới đang dần hình thành, nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là người dân.
Theo Nguyễn Mai
VTV
Xem thêm: nhc.73500844151302202-ioig-eht-gnoul-gnan-od-nab-nert-iom-ut-tart/nv.zibefac