Một buổi học ngoại khóa về biển đảo của học sinh Trường THCS Tào Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cạnh cụm mô hình cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển, đảo Trường Sa - Ảnh: DOÃN HÒA
Việc xây dựng cụm mô hình cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo cũng nhằm thực hiện sáng tạo, sinh động hơn công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, để biên giới và hải đảo trở nên gần gũi hơn với các em.
Ông Nguyễn Đình Sơn - chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Anh Sơn, Nghệ An
Biển đảo, biên giới không xa
Tiết học ngoại khóa trải nghiệm của các em học sinh Trường THCS Tào Sơn, huyện Anh Sơn với chủ đề "Em yêu biển đảo Việt Nam" diễn ra sôi nổi gần cụm cột mốc biên giới và chủ quyền biển đảo Trường Sa đặt cạnh cổng trường.
Học sinh được cô giáo giới thiệu ý nghĩa cột mốc, bia chủ quyền biên giới, biển đảo, công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, phân giới cắm mốc…
Thầy Nguyễn Hữu Hải - hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ, khi Hội Cựu chiến binh xã đặt vấn đề xây dựng cụm mô hình cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo tại trường, ban giám hiệu nhà trường nhất trí cao bởi đây là mô hình trực quan góp phần tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước cho học trò.
Công trình được Hội Cựu chiến binh xã Tào Sơn triển khai trong vòng một tháng từ nguồn kinh phí do hội viên Hội Cựu chiến binh đóng góp và bàn giao đúng ngày sinh nhật Bác Hồ (19-5-2021).
Cụm mô hình được xây dựng bằng bêtông cốt thép, trong đó cột mốc biên giới cao 2m và bia chủ quyền biển đảo cao 4m với tổng diện tích khoảng 16m². Trên cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa có ghi đầy đủ thông tin về kinh độ, vĩ độ đặt kèm dòng chữ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cô Cao Thị Hồng - giáo viên lịch sử, Trường THCS Tào Sơn - chia sẻ, năm nào vào ngày đầu năm học nhà trường cũng xây dựng kế hoạch giáo dục truyền thống, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng nhiều hình thức, trong đó có việc phối hợp với Hội Cựu chiến binh xã về trường nói chuyện truyền thống nhân các ngày lễ lớn.
"Cụm mô hình cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo trong khuôn viên sân trường rất thiết thực, giúp các em học sinh có cái nhìn trực quan rằng biển đảo, biên giới không còn xa. Từ đó các em chủ động tìm hiểu sâu các thông tin liên quan đến biên giới, biển đảo. Cách làm này cũng giúp hạn chế sự khô khan, cứng nhắc trong việc cung cấp kiến thức lịch sử, địa lý cho học sinh" - cô Hồng nói.
Đến nay, các cấp Hội Cựu chiến binh huyện Anh Sơn đã xây dựng, hoàn thành được 19 mô hình công trình với tổng giá trị gần 700 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa của gần 80.000 hội viên - Ảnh: DOÃN HÒA
Lan tỏa tình yêu Tổ quốc
Nằm ở vùng sâu vùng xa, cách trung tâm huyện Anh Sơn gần 30km, điều kiện học tập của các em học sinh ở xã Bình Sơn còn gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện mô hình cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo, ông Nguyễn Văn Hoàn - chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Sơn - cho biết, hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, hội viên và bà con trong xã ủng hộ làm mô hình với tổng trị giá hơn 40 triệu đồng.
"Công trình được đặt tại vị trí trang trọng ở khu vực giữa sân trường không chỉ tạo cảnh quan đẹp mà còn là mô hình trực quan để nhà trường giáo dục cho học sinh những kiến thức về biển đảo", ông Hoàn nói.
Nhiều học sinh ở Trường THCS Bình Sơn vui mừng khi mô hình cột mốc biên giới và chủ quyền biển, đảo được xây dựng trong sân trường.
"Trước đây, em chỉ biết đến Trường Sa qua sách vở, báo đài và lời thầy cô giáo dạy, nhưng bây giờ ngay tại sân trường đã có. Mỗi khi nhìn thấy cột mốc này, cùng với những thông tin qua những buổi nói chuyện truyền thống của các bác cựu chiến binh, những lời giảng của thầy cô giáo giúp chúng em ý thức rõ về lịch sử của dân tộc, nhất là chủ quyền biên giới, biển, đảo quê hương" - em Ngô Đình Trung, học sinh lớp 7 Trường THCS Bình Sơn, bày tỏ.
Các bác cựu chiến binh huyện Anh Sơn, Nghệ An nói chuyện giới thiệu mốc chủ quyền biển đảo, biên giới cho thế hệ trẻ - Ảnh: DOÃN HÒA
Người đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình "Cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo" đặt tại các trường học là ông Nguyễn Đình Sơn - chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Anh Sơn.
Ông Sơn kể trăn trở với công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đầu năm 2021, Hội Cựu chiến binh huyện đăng ký xây dựng mô hình dân vận khéo với công trình "Cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo" và đã phát động tới 21 cơ sở hội toàn huyện.
Đến nay, các cấp Hội Cựu chiến binh huyện Anh Sơn đã xây dựng, hoàn thành được 19 mô hình công trình với tổng giá trị gần 700 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa của gần 80.000 hội viên.
"Cụm mô hình cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển, đảo Trường Sa không chỉ làm cho cảnh quan sân trường đẹp hơn mà còn là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của nhà trường, cũng là địa chỉ đỏ để thầy, cô giáo cùng Hội Cựu chiến binh lồng ghép, giáo dục truyền thống cho các em học sinh một cách sinh động và thực tế. Qua đó góp phần lan tỏa, hun đúc tình yêu và ý thức bảo vệ chủ quyền cho các thế hệ học sinh", ông Sơn chia sẻ.
TTO - Đại diện các trường ở đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn nhận định về chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đặc biệt dành cho học sinh biển đảo do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào tối 15-3 tới.
Xem thêm: mth.54115624151302202-gnourt-nas-gnort-ioig-neib-oad-neib-neyuq-uhc-com/nv.ertiout