Tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải đối mặt với thách thức to lớn là bắt đầu rút lại các biện pháp hỗ trợ kinh tế thời dịch bệnh. Song, thời điểm nhóm họp của ngân hàng trung ương Mỹ (NHTW) không thực sự lý tưởng.
Giữa lúc khủng hoảng địa chính trị ở Ukraine bùng nổ, nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu khởi sắc và thị trường chứng khoán hỗn loạn, gần như chắc chắn rằng Fed sẽ tăng lãi suất sau khi kết thúc cuộc họp hai ngày vào ngày 16/3.
Ba yếu tố trên là thử thách không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách, nhưng lạm phát mới là điều mà Fed sẽ tập trung nhất. Ngoài ra, trong cuộc họp tới, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cũng sẽ điều chỉnh triển vọng kinh tế, dự đoán lộ trình lãi suất tương lai và có thể bàn bạc về thời điểm giảm quy mô bảng cân đối kế toán.
Lãi suất
Thị trường tin chắc Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3. Bởi vì Fed không thích khiến các nhà đầu tư bất ngờ, khả năng cao là dự báo sẽ thành hiện thực.
Bà Simona Mocuta, kinh tế trưởng tại State Street Global Advisors, cho hay: "Lãi suất sẽ tăng 25 điểm cơ bản là điều chắc chắn. Quan trọng là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Rất nhiều thứ có thể diễn ra từ nay đến cuối năm. Mức độ bất định đang cực kỳ cao".
Theo CNBC, thị trường đang kỳ vọng NHTW Mỹ sẽ tăng lãi suất 7 lần trong năm nay – đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ được điều chỉnh trong mỗi cuộc họp. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chia rẽ về việc liệu Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 hay 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5 nếu lạm phát tiếp tục đi lên.
Xét về khía cạnh thị trường, nhà đầu tư sẽ tập trung đánh giá việc tăng lãi suất của Fed mang tính "bồ câu" hay "diều hâu" - tức là liệu các quan chức Fed muốn phát tín hiệu sẽ hành động thận trọng hay quyết tâm tăng lãi suất để siết lạm phát mặc cho một số tác động tiêu cực lên tăng trưởng.
Chủ tịch Jerome Powell có thể (lần nữa) nhấn mạnh rằng Fed sẽ hành động nhanh nhẹn trong lúc hiểm họa lạm phát đình trệ tăng cao. Song, ông có thể cần phải hàm ý cho thị trường biết rằng NHTW Mỹ sẵn sàng trở nên quyết liệt hơn.
Theo Bloomberg, điều đáng chú ý là bản thân các đồng nghiệp tại Fed cũng như chính quyền Tổng thống Biden đều đã cho phép ông Powell trở nên "diều hâu" hơn nếu cần.
Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố chống lạm phạt là ưu tiên kinh tế hàng đầu của chính phủ. Các nhà lập pháp không phân biệt đảng phái cũng kêu gọi ông Powell hành động trong bối cảnh các hộ gia đình lẫn doanh nghiệp ngày càng lo ngại về giá cả.
Còn ở nội bộ NHTW Mỹ, ông James Bullard - Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, đã thúc giục Fed "nhanh chóng rút lại chính sách tiền tệ thích ứng". Thống đốc Christopher Waller muốn thấy lãi suất tăng thêm ít nhất 100 điểm cơ bản từ nay đến giữa năm. Thống đốc Michelle Bowman tuyên bố sẵn sàng "hành động mạnh mẽ" để đưa lạm phát quay về mức mục tiêu.
Ông Derek Tang, nhà kinh tế tại Monetary Policy Analytics, bình luận: "Ông Powell không thể tỏ vẻ 'bồ câu' vào lúc này, vì hành động đó không phù hợp với chính sách tiền tệ lành mạnh và ngược lại với lập trường cần có bây giờ của Fed".
Dù sao, biểu đồ dot plot cũng sẽ được điều chỉnh khá nhiều so với ba tháng trước. Trong lần cập nhật gần đây nhất, các quan chức Fed chỉ dự kiến ba lần tăng lãi suất trong năm nay và thêm 6 lần nữa trong năm tới.
Triển vọng lạm phát và tăng trưởng
Các nhà kinh tế Phố Wall dự đoán FOMC sẽ nâng dự báo lạm phát cả năm 2022 từ mức 2,7% hồi tháng 12 năm ngoái lên 3,9%. Ước tính lạm phát cho các năm sau đó sẽ không mấy thay đổi, lần lượt là 2,3% và 2,1% cho các năm 2023 và 2024.
Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Andrew Hollenhorst của Citigroup, việc Fed điều chỉnh mạnh tay dự báo lạm phát năm 2022 "cho thấy các nhà hoạch định phải tập trung hạ nhiệt lạm phát bằng các chính sách tiền tệ phù hợp hơn, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng rất mạnh (dù bất ổn dâng cao) và thị trường lao động bị thắt chặt".
Các nhà kinh tế cũng cho rằng FOMC sẽ điều chỉnh triển vọng GDP. Dự báo tháng 12/2021 chỉ ra tăng trưởng GDP có thể đạt 4% trong năm nay, trong khi Goldman Sachs vừa hạ dự đoán xuống còn 2,9%. Thước đo GDPNow từ chi nhánh Atlanta của Fed cho thấy tăng trưởng quý I/2022 chỉ ở mức 0,5%.
Ông David Mericle, nhà kinh tế của Goldman Sachs viết trong lưu ý cuối tuần trước: "Chiến sự ở Ukraine đã kéo rủi ro địa chính trị của Fed lên ngưỡng cao nhất kể từ Chiến tranh Iraq. Khủng hoảng ở Ukraine làm leo thang giá năng lượng, thực phẩm và đe dọa gây ra rắc rối khác cho chuỗi cung ứng".
Bảng cân đối kế toán
Fed cũng được cho là sẽ bàn bạc về thời điểm bắt đầu cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ trên bảng cân đối kế toán gần 9.000 tỷ USD. Dù vậy, ít có khả năng Fed sẽ có hành động ngay trong tuần này.
Chương trình thu mua trái phiếu của Fed sẽ kết thúc trong tháng 3. Sau khi chương trình chấm dứt, FOMC sẽ bắt đầu vạch ra lộ trình để giảm sở hữu trái phiếu.
Nhà kinh tế Hollenhorst của Citigroup nói: "Giảm quy mô bảng cân đối kế toán rất có thể sẽ được Fed bàn luận trong cuộc họp tới. Tuy nhiên do bất ổn gia tăng, chúng tôi nghĩ rằng quy trình bình thường hóa chính sách sẽ chỉ được công bố vào tháng 5 hoặc 6".
Hầu hết các chuyên gia Phố Wall ước đoán Fed sẽ để khoảng 100 tỷ USD trái phiếu đáo hạn mỗi tháng thay vì tái đầu tư vào trái phiếu mới như hiện tại. Quy trình này dự kiến sẽ bắt đầu vào mùa hè năm nay.