Cùng dự buổi gặp mặt có Đ/c Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Đ/c Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đ/c Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN và 120 đồng chí là đại biểu đại diện cho toàn thể nữ công chức, viên chức, người lao động trong ngành Ngân hàng…
Giữ vững hình ảnh cán bộ nữ ngành Ngân hàng chuyên nghiệp, tinh thông, đạo đức, trí tuệ
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cán bộ nữ ngành Ngân hàng nói riêng và phụ nữ trên cả nước nói chung nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cũng là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đây không chỉ là dịp Đảng, Nhà nước, xã hội, gia đình dành nhiều yêu thương, trân trọng phụ nữ mà còn là cơ hội tự hào về truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, nhìn lại thành tựu bình đẳng giới của đất nước.
Khẳng định vai trò và vị thế của người phụ nữ Việt Nam ngày càng được nâng lên, được hệ thống chính trị, xã hội đề cao, tôn vinh, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, những chủ trương, chính sách nhất quán về bình đẳng giới của Đảng, Nhà nước ta trong suốt chiều dài lịch sử từ khi thành lập đến nay, ngày càng được thể hiện đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, góp phần tôn vinh những giá trị tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, được bạn bè quốc tế ca ngợi.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tặng hoa, chúc mừng Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhân ngày 8/3
Nêu rõ hai điểm sáng thành tựu bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế và chính trị, Phó Chủ tịch nước cho biết, đa số lao động nữ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành Ngân hàng, chiếm số lượng rất đông. Quan trọng hơn, kỹ năng nghề nghiệp ngày được nâng lên, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển của đất nước. Tỷ lệ doanh nhân nữ của Việt Nam ngày càng cao, đứng thứ 6 trên thế giới, với khoảng 26,5% phụ nữ làm chủ doanh nghiệp.
Cán bộ nữ ngành Ngân hàng trao quà tặng dành cho trẻ em bị mồ côi do covid-19
Đối với lĩnh vực chính trị, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xã hội đối với cán bộ nữ, tỷ lệ nữ trong cấp ủy, cơ quan dân cử, cơ quan nhà nước, ngày càng được nâng lên. Hiện có 9,5% cán bộ Ủy viên Trung ương Đảng là nữ; 30,26% nữ nghị sỹ, nữ Đại biểu Quốc hội (tỷ lệ cao nhất từ khi thống nhất đất nước đến nay); cán bộ chủ chốt là nữ trong các bộ và cơ quan ngang bộ chiếm khoảng 50%... Với những kết quả đó, Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng của Liên hợp quốc trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 47/187 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ phụ nữ tham chính.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa giá trị tốt đẹp, nhân văn, nhân ái, nhất là các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện.
Biểu dương và ghi nhận kết quả đạt được của ngành Ngân hàng, Phó Chủ tịch nước cho biết, hiện nữ giới chiếm khoảng 60% lực lượng lao động tại các ngân hàng nhưng chiếm khoảng 24,13% tổng số các vị trí quản lý cấp cao và lần đầu tiên có nữ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đây không chỉ là niềm tự hào của ngành Ngân hàng mà còn là động lực thôi thúc phụ nữ thêm tự tin, phấn đấu vươn lên, thực hiện tốt nhiệm vụ, trọng trách Đảng, Nhà nước giao phó. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, ngành Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm không lùi bước, nêu cao phẩm chất truyền thống tốt đẹp và đoàn kết vượt qua. Phụ nữ ngành Ngân hàng góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế -xã hội, góp phần thực hiện tốt ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, kiểm soát nợ xấu.
Phó Chủ tịch nước mong muốn, trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo, cán bộ nữ ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của ngành Ngân hàng; đồng thời, có những định hướng chuyển đổi và năng lực thích ứng nhanh chóng, tiếp tục trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp; giữ vững hình ảnh cán bộ ngành Ngân hàng chuyên nghiệp, tinh thông, đạo đức, trí tuệ.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng nói chung, cán bộ nữ ngành nói riêng, quan tâm, đồng hành cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm triển khai kịp thời các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục quan tâm đầy đủ về công tác cán bộ nữ của ngành, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vươn lên tương xứng với tỷ lệ cán bộ nữ trong toàn ngành.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi gặp mặt
Cảm ơn Phó Chủ tịch nước dành thời gian tiếp đoàn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2021 ngành Ngân hàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế đất nước, trong đó có đóng góp to lớn của phụ nữ ngành Ngân hàng. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn ngành Ngân hàng cũng rất quan tâm tới công tác an sinh xã hội, đặc biệt là với phụ nữ nghèo và trẻ em, rất nhiều hoạt động đã được triển khai. Trong hoạt động, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam rất quan tâm tới hoạt động của phụ nữ, dành tới 70% kinh phí hoạt động công đoàn dành cho hoạt động của nữ, có nhiều hoạt động thiết thực giúp chị em cân bằng giữa công việc chuyên môn và gia đình.
Đoàn đại biểu phụ nữ ngành Ngân hàng chụp ảnh lưu niệm tại Phủ Chủ tịch
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, các hoạt động công đoàn ngành Ngân hàng đã rất quan tâm tới công tác đào tạo, cơ hội nâng cao kiến thức của cán bộ nữ. Công tác bồi dưỡng cán bộ nữ cũng được Ban lãnh đạo NHNN đặc biệt quan tâm.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, Việt Nam đang thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, thay mặt cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thể hiện tinh thần quyết tâm, đồng lòng triển khai tốt nhiệm vụ chuyên môn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, triển khai hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế, bên cạnh đó là đa dạng hoá các tiện ích ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi số sẽ tiếp tục được triển khai, luôn đặt doanh nghiệp và người dân làm trung tâm.
Cùng với đó, công tác an sinh xã hội cũng sẽ tiếp tục được thực hiện. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành Ngân hàng đang triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó phụ nữ là nhóm đối tượng rất được quan tâm của Chương trình này. Trong công tác cán bộ, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục quan tâm tới công tác cán bộ nữ, nhiều chương trình đào tạo sẽ được triển khai trong thời gian tới để ghi nhận và tạo điều kiện phát huy tinh thần cống hiến của phụ nữ ngành Ngân hàng.
Những đóng góp của nữ công chức, viên chức, lao động ngành Ngân hàng
Trước đó, tại buổi gặp mặt này, báo cáo kết quả đóng góp của nữ công chức, viên chức, lao động trong hoạt động chung của ngành Ngân hàng năm 2021, Đ/c Lê Thị Quyên - Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Ngân hàng Nhà nước Trung ương cho biết,
Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: là năm đầu triển khai các Nghị quyết Đại hội thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; là năm mà đất nước ta từng bước trở về trạng thái “bình thường mới” sau hơn 2 năm đại dịch covid bùng phát, thực hiện mục tiêu kép vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt hơn, năm 2021 là năm đánh dấu chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam. Với tinh thần đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển” năm 2021 ngành Ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng vào thành tự chung của nền kinh tế.
Là một ngành có đông lao động nữ, tiếp nối truyền thống tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, trong thời kỳ mới ngành Ngân hàng đã tổ chức, chỉ đạo và triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ giỏi việc Ngân hàng, đảm việc nhà” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Các phong trào thi đua đã trở thành nét đẹp truyền thống trong nữ công nhân viên chức lao động toàn Ngành, được triển khai xuyên suốt và thống nhất từ cấp Ngành tới cấp cơ sở. Điều đó thể hiện sự quan tâm và chỉ đạo sát sao và sự đánh giá về tầm quan trọng hoạt động công tác nữ caaong của Ban Cán sự Đảng, ban Lãnh đạo NHNN và Công đoàn Ngân hàng Việt Nam.
Để có được thành tích nổi bật của ngành Ngân hàng trong năm 2021, có sự tham gia tích cực của đối ngũ cán bộ ngành Ngân hàng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Ngành đều có chị em, và ở lĩnh vực nào các chị em cũng luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Có những lĩnh vực chị em chiếm 79-80% như kế toán, kiểm ngân, kho quỹ… đặc biệt có những đơn vị ban lãnh đạo 100% là nữ. Mỗi lĩnh vực đều có những thuận lợi và không ít khó khăn những bằng tình yêu nghề, nhiệt huyết với công việc, các chị em luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành tích chưng của từng đơn vị và toàn Ngành.
Có thể nói, đồng hành với sự phát triển của ngành Ngân hàng là sự đóng góp quan trọng của nữ công chức, viên chức, lao động toàn Ngành. Các chị đã tự tin khẳng định và phát huy hết khả năng trong mọi lĩnh vực công tác, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện hiệu quả định hướng đổi mới hoạt động ngân hàng, vững tin bước vào hội nhập cùng các ngân hàng trong khu vực và quốc tế.
Đ/c Lê Thị Thúy Sen - Vụ Trưởng Vụ Truyền thông phát biểu tại buổi gặp mặt
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đ/c Lê Thị Thúy Sen - Vụ Trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho rằng, hoạt động ngành ngân hàng mang tính chất đặc thù liên quan đến quản lý tiền tệ, tính toán, nghề gắn với quan niệm “tay hòm chìa khóa”… nên có tỷ lệ phụ nữ cao nhất trong các ngành nghề.… Bên cạnh điểm chung của phụ nữ đảm bảo cân bằng giữa gia đình và công việc, phụ nữ ngành Ngân hàng có những vất vả riêng do đặc thù nghề nghiệp. Điều đó đặt ra áp lực với cán bộ nữ của ngành và sự nỗ lực để vượt qua.
Đối với phụ nữ làm việc ở các Vụ cục chức năng của NHNN có những áp lực và khó khăn riêng. Chức năng của NHNN là quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng…Việc điều hành chính sách tiền tệ đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, an toàn hệ thống, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp…Đây có thể nói là ngành “nóng” và nhạy cảm với những diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới, phạm vi tác động và ảnh hưởng rộng lớn. Công việc hàng ngày đó đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của mỗi cán bộ của NHNN với bất kể vị trí công tác nào, phải làm ngoài giờ với áp lực công việc cao là thường xuyên để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chị em làm việc ở các ngân hàng thương mại lại có sự vất vả riêng. Trên thực tế, hầu hết các gia đình, người trưởng thành đều có những việc liên quan đến ngân hàng từ tiết kiệm, vay vốn, thanh toán… Việt Nam với gần 100 triệu dân, trong đó công dân từ 15 tuổi trở lên (tuổi được mở tài khoản, mở thẻ ngân hàng) chiếm gần 80% dân số, do vậy hệ thống ngân hàng có khối lượng công việc khổng lồ để phục vụ hàng chục triệu khách hàng mà cán bộ ngành ngân hàng nói chung và phụ nữ nói riêng đang đảm đương. Chị em làm việc vất vả và đi sớm về muộn cũng diễn ra thường xuyên với áp lực công việc cao.
Đ/c Lê Thị Quyên - Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn NHNN Trung ương báo cáo tại buổi gặp mặt
Có thể thấy đặc thù công việc của chị em ngành ngân hàng có những khó khăn riêng nên để cân bằng được giữa công việc gia đình và công việc cơ quan cũng là thách thức. Mỗi phụ nữ ngành ngân hàng cũng luôn có ý thức và cố gắng để thực hiện được tiêu chí “ giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Đ/c Lê Thị Thúy Sen cho biết, phụ nữ ngành Ngân hàng luôn tự hào và có khát vọng cống hiến cho Ngành và đất nước, bởi vì hiểu rõ lịch sử hơn 70 năm qua các thế hệ ngành Ngân hàng bằng phẩm giá kiên cường, trí tuệ và lòng yêu nước đã góp phần viết nên những trang sử hào hung. Nhiều cán bộ ngành Ngân hàng đã sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy tham gia trong các cuộc kháng chiến. Điển hình các thế hệ đi trước đã viết nên “ Huyền thoại con đường tiền tệ”, góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, nhiều cán bộ đã hy sinh. Lịch sử hào hùng đó thấm đẫm trong mỗi cán bộ của Ngành.
Đ/C Nguyễn Thị Phượng Phó Tổng giám đốc Agribank phát biểu tại buổi gặp mặt
Đồng thời, phụ nữ ngành Ngân hàng cảm nhận được sự quan tâm, thấu hiểu, động viên của Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN qua các thời kỳ và sự chăm lo đời sống, tinh thần của các tổ chức đoàn thể nói chung, đặc biệt là Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nói riêng. Phụ nữ ngành Ngân hàng cũng thấu hiểu việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong bối cảnh hiện nay chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 và bối cảnh địa chính trị toàn cầu có nhiều áp lực với Ban Lãnh đạo NHNN và lãnh đạo các đơn vị trong ngành Ngân hàng.
Tất cả những điều đó, là những động lực để chị em ngành Ngân hàng luôn đoàn kết, thấu hiểu, chia sẻ, phối hợp công tác để công việc được thực hiện tốt hơn, để đóng góp phần nhỏ bé của mình xây dựng ngành Ngân hàng và đất nước ngày càng phát triển.
Tại buổi gặp mặt, đại diện phụ nữ của các ngân hàng bày tỏ niềm vinh dự, vui mừng, phấn khởi về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và toàn xã hội đã dành cho phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử và nhất là những năm gần đây.
Bày tỏ sự quyết tâm, triển khai thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong tâm thế thực hiện thích ứng an toàn với dịch bệnh, để xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, vì sự tiến bộ, hạnh phúc, bình đẳng của phụ nữ.
Các nữ đại biểu nguyện giữ vững và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam và phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, cống hiến công sức, trí tuệ góp phần vào hoạt động chung của ngành Ngân hàng, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, mỗi gia đình và mỗi người dân ngày càng hạnh phúc.
Bên cạnh đó, các nữ đại biểu mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội vì sự phát triển của phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ buổi gặp mặt này, Đoàn cán bộ nữ tiêu biểu của ngành Ngân hàng đã trao quà tặng dành cho trẻ em bị mồ côi do covid-19 thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam với tổng trị giá 300 triệu đồng.
CKH
Ảnh: Đức Khanh
Xem thêm: 918884VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www