Ngày 15-3, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm công tác xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của tòa án 12 tỉnh miền Trung- Tây Nguyên. Qua đó, các tòa nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, giảm tỉ lệ án bị hủy, sửa cũng như thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
Theo thống kê, từ ngày 1-10-2021 đến 4-3-2022 có 26 bản án, quyết định sơ thẩm bị hủy theo trình tự phúc thẩm, trong đó hủy toàn bộ 25 vụ và một vụ hủy một phần.
Có 104 bản án, quyết định sơ thẩm bị sửa theo trình tự phúc thẩm, trong đó sửa toàn bộ 30 vụ và 74 vụ sửa một phần. Tổng số bản án, quyết định sơ thẩm bị hủy, sửa theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm là 28 vụ .
Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TT
Ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho biết, hội nghị tổ chức trên tinh thần cầu thị, thẳng thắn, sẽ nghiêm túc lưu ý, rút kinh nghiệm (nếu có) đối với các kiến nghị của TAND các tỉnh.
Đối với việc hủy, sửa bản án, lãnh đạo TAND Cấp cao tại Đà Nẵng sẽ luôn đặt mình vào hoàn cảnh của các thẩm phán để thấu hiểu và sẻ chia. Chỉ khi không còn hướng nào để giải quyết mới hủy, trên tinh thần vẫn ưu tiên thu thập, bổ sung chứng cứ. Nếu còn khả năng thu thập chứng cứ và cần phối hợp thì đơn vị sẽ tạo điều kiện để tránh án hủy.
Ông cũng đề nghị TAND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương khu vực miền Trung- Tây Nguyên lưu ý cán bộ, công chức chủ động, linh hoạt thực hiện điều tra, xác minh bổ sung, chuyển giao chứng cứ, tài liệu bổ sung và thông báo việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị đúng thời gian, đúng quy định, tránh trường hợp quên hoặc bỏ sót khi có đơn kháng cáo.
“Tôi hy vọng sau hội nghị này thì quan hệ giữa TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng với tòa án các cấp tỉnh, huyện…. được “cài đặt” lại, được làm mới, ấm hơn. Từ đó phát huy mặt tích cực, khắc phục hạn chế, rào cản để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án từ hai phía, phục vụ tốt hơn cho người dân”- Chánh án Nguyễn Văn Bường cho hay.
Quy chế phối hợp giữa VKS và Tòa án Trước đó, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tổng kết thực hiện quy chế phối hợp giữa đơn vị và TAND Cấp cao tại Đà Nẵng năm 2021. Trong năm, hai cơ quan đã thực hiện giao nhận tổng số 1.124 hồ sơ vụ án phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các loại. Việc giao nhận hồ sơ được bảo đảm đúng quy định của pháp luật, kịp thời, không có trường hợp nào thất lạc bút lục, tài liệu.
Đối với những vụ án phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau, thẩm phán và kiểm sát viên đã kịp thời trao đổi, đánh giá chứng cứ và quan điểm vụ án đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật. Trường hợp xuất hiện nhiều tình tiết mới dẫn đến thay đổi quan điểm giải quyết vụ án, trên cơ sở đề nghị của kiểm sát viên, HĐXX đã hoãn phiên tòa để tạo điều kiện cho KSV xin ý kiến của Viện trưởng. Đa số quan điểm giải quyết vụ án giữa hai đơn vị là thống nhất. Lãnh đạo hai cơ quan thường xuyên có sự trao đổi, thông tin về các vụ án hình sự trọng điểm, phức tạp để có sự thống nhất về tiến độ giải quyết, công tác bảo vệ phiên tòa và dự kiến những tình huống phức tạp có thể xảy ra đảm bảo xử lý đúng pháp luật. Nhiều vụ án hình sự cấp sơ thẩm không thống nhất quan điểm về việc định tội danh hoặc có tội hay không có tội, cũng được hai cơ quan phối hợp trao đổi nhanh chóng, kịp thời. Ông Phạm Văn Cần, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của lãnh đạo hai cơ quan để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác phối hợp. Ông đề xuất hai bên tổ chức giao ban định kỳ rút kinh nghiệm 3 tháng/lần để thảo luận, gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết án. |