Sáng 16/3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận nhiều câu hỏi chất vấn về "giá xăng dầu có thể giảm không" tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Trần Văn Sáu (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi vì sao giá bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới biển động mạnh, 44-60%, nhưng giá trong nước chỉ tăng 25-40%. "Quá trình điều hành giá xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn, thiệt hại đó do ai gánh chịu? Khả năng giảm giá xăng dầu tới đây thế nào", ông hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói, giá xăng dầu trong nước có giảm hay không sẽ phụ thuộc vào thị trường thế giới. Ông giải thích, giá thế giới và trong nước là "bình thông nhau", nên khi giá thế giới tăng sẽ tác động tới giá trong nước. Tuy nhiên, ở khía cạnh quản lý, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ sử dụng các công cụ bình ổn để kìm đà tăng giá trong nước thấp hơn thế giới và tăng ở mức "có thể chấp nhận được".
Chẳng hạn, tới giữa tháng 3 giá bình quân thành phẩm trong nước đã tăng 40-60% do những bất ổn địa chính trị, căng thẳng Nga - Ukraine..., nhưng giá bán lẻ trong nước chỉ tăng với biên độ 25-40%. Mức tăng thấp hơn này do chủ yếu sử dụng linh hoạt các công cụ bình ổn giá, như Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tại nhiều kỳ điều hành, nhà điều hành đã trích 500-1.500 đồng một lít xăng, dầu tuỳ loại. Nếu không trích quỹ này, ông Diên nói, "chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới".
Theo Bộ trưởng, bối cảnh thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước, việc duy trì Quỹ bình ổn rất quan trọng, nhưng quỹ có hạn, hiện chỉ khoảng 600 tỷ đồng trong khi quỹ này tại nhiều doanh nghiệp đã âm lớn.
Khi hiện quỹ này không còn nhiều, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã đề xuất và Chính phủ có Nghị quyết đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nếu chính sách này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, áp dụng từ 1/4 tới thì "hy vọng giá sẽ giảm".
"Công cụ là Quỹ bình ổn, rồi quỹ này không còn thì sử dụng thuế, phí. Nếu thuế, phí giảm hết cỡ mà giá vẫn cao thì phải sử dụng quỹ an sinh hỗ trợ người dân, hỗ trợ thuế doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu", ông nói.
Tuy nhiên, hiện cơ chế hình thành Quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay theo phương thức trích - lập từ mỗi lít xăng, dầu người tiêu dùng mua, nên bộc lộ bất hợp lý, chưa theo thị trường. Thừa nhận điều này, Bộ trưởng Công Thương cho hay, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ nghiên cứu, tăng cường hơn nữa Quỹ bình ổn xăng dầu.
"Tới đây, sẽ nghiên cứu kinh nghiệm các nước để nâng quy mô quỹ này và xem xét tạo nguồn quỹ này thế nào, từ đâu, từ ngân sản hay trích lập trên mỗi lít xăng dầu để có quỹ bình ổn đúng nghĩa", ông nói.
Ngày 11/3, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng mạnh nhất trong lịch sử dù liên bộ Công Thương - Tài chính đã chi 750 -1.000 đồng từ Quỹ bình ổn xăng dầu cho mỗi lít xăng, 1.500 đồng cho mỗi lít dầu diesel. Mặt bằng giá bán lẻ trong nước với xăng RON 95 đã lên sát 30.000 đồng một lít, xăng E5 RON92 là 28.980 đồng, còn dầu diesel 25.260 đồng. Đây là các mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Ở Việt Nam, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải cõng hơn 40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 l là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.
Để kìm đà tăng, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít xăng, nhưng sớm nhất đến ngày 1/4, mức giảm này mới có hiệu lực.
Anh Minh