Ngày 15-3, chị chị V.T.N.H (ngụ xã Chư Á, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) làm đơn trình báo cơ quan công an về việc mình bị lừa đảo, chiếm đoạt 765 triệu đồng khi làm cộng tác viên bán hàng online. Cụ thể, cuối tháng 2-2022, chị H. khi đang đọc tin tức trên mạng xã hội, thấy tin đăng tuyển CTV cho một sàn thương mại điện tử nên nhắn tin cho nhà tuyển dụng để tìm hiểu về công việc và được biết nhiệm vụ là đặt các đơn hàng ảo trên một số sàn thương mại điện tử để thu hút người mua hàng.
Theo đó, dù không có nhu cầu mua hàng, chị H. phải đặt hàng và thanh toán tiền. Số tiền này được cam kết hoàn trả kèm theo hoa hồng 8 - 20%. Các đối tượng sẽ gửi cho H. một đường link sản phẩm có giá tiền ở trong đó. Chị H. sẽ giả vờ đặt hàng và chuyển số tiền ghi sẵn trong đó vào một số tài khoản khác. Ví dụ món hàng có giá trị hơn 500.000 đồng thì chị sẽ chuyển tiền vào số tài khoản đó. Sau khi chuyển tiền xong từ 3 - 5 phút, các đối tượng hoàn tiền lại cho chị H. bao gồm tiền gốc và tiền hoa hồng. Tùy vào từng món hàng, có món thì được 8%, món 10%, món 20% hoa hồng.
Ban đầu để tạo lòng tin, khi hoàn thành đơn hàng, chị H. nhận được tiền gốc và tiền hoa hồng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, khi chị nộp số tiền lớn để đặt thêm số lượng hàng nhiều, thì các đối tượng liên tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu chị mua thêm hàng. Số tiền đầu tư H. bỏ ra tới hơn 765 triệu đồng để mua hàng. Vì cả tin nên H. phải vay mượn của bạn bè, người quen hy vọng lấy lại được cả vốn lẫn hoa hồng. Tuy nhiên, sau quá nhiều lần liên hệ không thể rút được tiền mà bị yêu cầu nạp thêm, chị mới nhận ra mình bị lừa và quyết định báo công an.
Cũng với hình thức trên, chị T.N.H (ngụ P.Yên Đỗ, TP.Pleiku) bị các đối tượng chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng; V.T.T.T (ngụ TT. Chư Sê, huyện Chư Sê) bị chiếm đoạt 40 triệu đồng. Thủ đoạn chung của các đối tượng là mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... và đăng tải thông tin quảng cáo tìm CTV bán hàng online trên mạng xã hội.
Đối tượng bị nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, gặp phải khó khăn do đại dịch Covid-19. Đặc biệt là những phụ nữ đang ở nhà, không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online, kiếm thêm thu nhập. Bọn chúng thường đưa ra mức thu nhập rất hấp dẫn. Mỗi đơn hàng được hưởng số tiền được hưởng chênh lệch 10 - 20%. Đã có không ít người nhẹ dạ cả tin đăng ký làm CTV bán hàng online. Hậu quả là người mất ít thì vài triệu đồng, người mất nhiều thì lên tới cả chục, trăm triệu đồng.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an Gia Lai đã khởi tố đối với 4 đối tượng về tội sử dụng mạng vi tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, gồm: Nguyễn Đức Toàn (SN 1997), Lâm Thế Vương (2001, cùng ngụ xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh), Lê Xuân Hùng (SN 1995, ngụ TT.Chư Ty, huyện Đức Cơ) và Luyện Minh Phước (SN 2001, ngụ xã Ia Yok, huyện Ia Grai, Gia Lai). Trong đó, Toàn được xác định là đối tượng cầm đầu.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã tuyển cộng tác viên tham gia bán hàng trên trang fanpage "Dioes Luiz Sandri". Để đánh vào lòng tin của "con mồi", Toàn thuê Phước và Vương đóng vai khách đặt mua hàng của các cộng tác viên. Khi có đơn hàng, cộng tác viên sẽ liên hệ đặt mua hàng của trang để chuyển cho Phước và Vương, thì 2 đối tượng này cắt liên lạc.
Nhóm này bị bắt khi đang cùng nhau ở trong căn nhà của Toàn thuê để hoạt động lừa đảo. Nhóm của Toàn đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người với số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng. Tang vật cơ quan công an thu giữ, gồm 3 máy tính để bàn, 2 laptop, 6 điện thoại di động, 49,5 triệu đồng cùng một số tang vật khác liên quan.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa tội phạm chiếm đoạt tài sản qua hình thức kiếm tiền online như trên, đồng thời tích cực tố giác tội phạm tới cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật để kịp thời ngăn chặn, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Xem thêm: lmth.953821_yt-neit-tam-aul-ib-enilno-gnah-nab-neiv-cat-gnoc-mart-gnah/caig-hnac/na-uv/nv.moc.nagnoc