Chiều 16/3, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề đầu cơ đất đai, trốn thuế giao dịch đất đai.
Bộ trưởng nhận nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu xoay quanh hành vi trốn thuế trong giao dịch đất đai đang ngày càng nghiêm trọng, nhưng chưa có giải pháp căn cơ ngăn chặn.
Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định), năm 2009, Quốc hội từng giao Chính phủ nghiên cứu chính sách thuế đánh vào đầu cơ đất đai, theo hướng người có nhiều nhà, đất bỏ hoang thì bị đánh thuế cao. "Ba năm rồi chưa thấy chính sách này, vậy khi nào sẽ có?", ông Ba chất vấn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời, vấn đề này cần sửa các quy định tại Luật thuế và Luật Đất đai. Nếu điều chỉnh mọi quan hệ đất đai và thống nhất được thì có thể bổ sung, sửa trong luật đất đai.
Về thuế sử dụng đất, với dự án chậm sử dụng đất khi đấu giá, theo Bộ trưởng Hà, phải đưa ra lộ trình sử dụng và coi đây là quy định bắt buộc. "Nếu kéo dài thì phải có biện pháp đánh thuế tránh đầu cơ, trục lợi. Thuế này tăng như thế nào thì sẽ bàn tiếp", ông nói.
"Đánh thuế cao hơn với các trường hợp đầu cơ, găm đất, bởi các trường hợp này không làm phát sinh giá trị kinh tế xã hội. Đánh thuế cao cũng khiến người đang ôm đất phải từ bỏ. Giá đất đang cao có thể thấp xuống", ông nói.
Ông Hà dẫn chứng việc đánh thuế cao với người sở hữu nhiều bất động sản tại Mỹ, nên người dân rất sợ khi có nhà mà không ở, không cho thuê.
Vì thế, ông cho rằng, kể cả nhà ở, đất ở, dự án không đầu tư, hay đất nông nghiệp không sử dụng... phải đánh thuế. Còn người có 5-6 nhà nhưng nhà nào không ở, không sinh lời cho xã hội thông qua cho thuê, kinh doanh thương mại... thì phải đánh thuế.
Trước đó, trong văn bản ngày 24/2 gửi các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đề cập một số nội dung để đánh giá, rà soát lại một số Luật, theo nhiệm vụ được Thủ tướng giao chủ trì. Cụ thể, Bộ đề cập việc "có gộp Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hay không và bổ sung đánh thuế với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản".
Tuy nhiên, ngày 14/3, Bộ Tài chính khẳng định chưa có "bất kỳ chủ trương nào" về việc xây dựng một luật riêng về đánh thuế tài sản.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đăk Lăk) quan tâm tới các hành vi trốn thuế trong đất đai ngày càng phổ biến, nhưng chưa được xử lý căn cơ.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trốn thuế len lỏi trong nhiều giao dịch đất đai. Chẳng hạn, có trường hợp nhà đầu tư đã nhận quyết định giao đất nhưng tiền thu thì vẫn nợ, tức chưa thực hiện trách nhiệm tài chính một phần với Nhà nước.
Hay có trường hợp, đất giao cho nhà đầu tư làm một dự án khu công nghiệp, nhưng họ giữ lại không làm, mà đất này vẫn lên giá. Tức theo ông, nhà đầu tư chậm đầu tư hạ tầng, đưa dự án vào khai thác, chậm đóng góp phát triển kinh tế xã hội... cũng là một dạng trốn thuế.
Tham gia trả lời, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc bổ sung, quy định hiện nay, đất giao xong cho nhà đầu tư, Nhà nước mới thu tiền là "lỗ hổng". Việc này dẫn tới thực trạng, nhà đầu tư nhận đất, nhưng lại không nộp tiền vào ngân sách, gây thất thoát. Ông đề nghị cần sớm sửa đổi quy định, bịt lỗ hổng này.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, cơ quan thuế đang rà soát để thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng.
Theo bộ trưởng, qua rà soát 85.000 bộ hồ sơ chuyển nhượng bất động sản trong nửa đầu tháng 1, số thuế tăng thu được 222 tỷ đồng. "Chúng tôi đang thanh tra những hồ sơ thuế có nghi vấn về chuyển nhượng mà kê khai thuế", ông nói.
Anh Minh