Nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình (TP.HCM) điều trị một bệnh nhân nhiễm COVID-19 lớn tuổi, nguy kịch - Ảnh: XUÂN MAI
Theo báo cáo của Bộ Y tế, những ngày qua, dù tỉ lệ tử vong đã giảm nhiều nhưng cả nước vẫn ghi nhận trên 60 - 90 ca tử vong/ngày. Bình quân trong tuần vừa qua ghi nhận 74 ca tử vong/ngày, tuần trước đó là 84 ca/ngày.
10 tuần đầu năm, cả nước gần 8.700 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Tại TP.HCM, số ca mắc COVID-19 những ngày qua đang có xu hướng giảm nhẹ, duy trì khoảng 2.000 ca đến trên 3.000 ca/ngày. So với các tỉnh thành khác trên cả nước, TP.HCM được "xếp loại" là địa phương ghi nhận số ca nhiễm ở mức trung bình khi nhiều địa phương khác có tới trên 4.000 đến trên 26.000 ca/ngày.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, tính đến ngày 13-3, TP.HCM có 569.769 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Số ca tử vong cộng dồn đến nay là 20.435 ca. Như vậy, tỉ lệ ca tử vong trên tổng số ca nhiễm tại TP là 3,5%, cao hơn tỉ lệ chung của cả nước là 0,6%.
Về ca bệnh nặng, tính đến ngày 13-3, các bệnh viện trên địa bàn TP điều trị 88 bệnh nhân nặng, thở máy, 3 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Ngày 16-3, trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết hiện số ca tử vong do mắc COVID-19 tại TP.HCM đang ở mức thấp nhất trong đợt dịch này, mỗi ngày có 2 - 4 ca, trong đó có cả ca bệnh ở các tỉnh chuyển đến.
Trong khi đó, tỉ lệ tử vong/tổng số mắc COVID-19 mới cả nước cũng giảm xuống mức rất thấp, ở tuần thứ 10 năm 2022 giảm còn 0,07%, trong khi 6 tuần đầu năm, con số này vẫn ở mức trên 1%.
Nhưng có thể thấy tỉ lệ tử vong hiện nay ở mức thấp một phần là do số ca mắc mới cả nước những ngày qua tăng cao. Còn so về số lượng, mỗi ngày trên 60 - 90 bệnh nhân COVID-19 tử vong vẫn là cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch đang lưu hành như sởi, sốt xuất huyết...
Tính chung 10 tuần đầu năm cũng có tới gần 8.700 bệnh nhân COVID-19 tử vong vẫn là con số rất cao và rất cần phải kéo giảm.
Vẫn cần chú ý người chưa tiêm vắc xin, có bệnh nền, trên 65 tuổi
Theo kết quả phân tích của ngành y tế TP.HCM, phần lớn trường hợp nặng và tử vong do COVID-19 trên địa bàn TP có đặc điểm chung là người trên 65 tuổi và có bệnh nền, có trường hợp vẫn chưa tiêm vắc xin.
Đặc biệt, khi có triệu chứng cần nhập viện thì những trường hợp này đã ở mức độ nặng và chưa được phát hiện là F0 trước đó nên chưa được sử dụng thuốc kháng virus.
Theo bà Huỳnh Mai, ngành y tế TP hiện vẫn tiếp tục cao điểm chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao (trên 65 tuổi, có bệnh nền) từ ngày 8 đến 31-3-2022.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để làm sao tất cả người dân khi là F0 phải khai báo đủ thông tin, có nhân viên y tế đến bảo vệ cho họ, cũng như giúp những người thân của họ không bị lây nhiễm.
Tại Hà Nội, địa phương có số mắc COVID-19 và số tử vong cao hơn các địa phương khác thời gian gần đây, thì hiện số ca mắc mới đã giảm liên tục (dù chậm) trong gần 1 tuần qua, số tử vong cũng giảm.
Một đại diện Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết thời điểm sau Tết Nguyên đán bệnh viện này thường xuyên có 180 bệnh nhân nội trú, hiện con số này giảm còn 120 bệnh nhân.
Trước đây có nhiều ngày liên tục ghi nhận 2 - 3 ca tử vong/ngày thì hiện có thời điểm vài ngày không ghi nhận bệnh nhân tử vong.
Vị này cũng cho hay có điểm chung ở nhiều bệnh nhân COVID-19 tử vong là tuổi trên 65, có bệnh nền và chưa tiêm/tiêm chưa đủ mũi vắc xin.
Cần tiếp tục kéo giảm tỉ lệ tử vong
Thời điểm tháng 8 và 9-2021, tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 cả nước lên 2,2%, cao hơn tỉ lệ chung của thế giới. Khi đó, TP.HCM tỉ lệ tử vong lên đến trên 4%. Hiện nay con số này dù giảm nhiều nhưng vẫn ở mức TP.HCM là 3,5%, các tỉnh thành Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang cũng cao, từ xấp xỉ 2% đến 3,4%/tổng số mắc.
Số bệnh nhân tử vong hằng ngày hiện nay, dù đã giảm nhiều nhưng liên tục lên xuống và có những ngày ở mức cao. Hai ngày 13 và 14-3 ghi nhận tới trên 90 ca tử vong/ngày, trung bình 7 ngày vừa qua mỗi ngày 74 ca tử vong. Tuần trước đó bình quân 84 ca/ngày và trước đó nữa là 87 ca/ngày.
Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vào đầu tháng 3, Bộ Y tế cho biết số tử vong như kể trên là cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch đang lưu hành, như sốt xuất huyết năm 2021 ghi nhận hơn 20 ca tử vong; bệnh dại 9 tháng đầu năm 2021 ghi nhận 40 ca tử vong...
Kéo giảm số ca COVID-19 tử vong xuống thấp hơn nữa bằng cách nào? Một chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng biện pháp đều đã có, vấn đề là thực hiện có đúng. Đặc biệt phải chú ý đến nhóm nguy cơ cao, rà soát nhóm chưa tiêm vắc xin và có bệnh nền. Có như vậy mới giảm thêm được tử vong. 10 tuần đầu năm mà gần 8.700 người ra đi vì COVID-19, con số vẫn còn rất lớn.
TTO - Một thống kê tỉ lệ tử vong/tổng ca mới theo tuần ở Việt Nam cho hay, giai đoạn tuần 34 và 35-2021, tỉ lệ này lên tới 5,98 - 10,08%, đây là lúc ghi nhận số ca tử vong cao nhất, càng về cuối 2021 càng giảm dần, thấp nhất là tuần thứ 46 với 0,96.