Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 180.552 ca mắc, thêm 167.163 ca khỏi bệnh. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 15.3 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 180.558 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 180.552 ca trong nước (tăng 5.084 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 26.220 ca, Nghệ An 10.797 ca, Vĩnh Phúc 8.875 ca, Phú Thọ 8.335 ca, Bắc Ninh 5.751 ca, Bình Dương 5.285 ca, Hải Dương 4.972 ca, Lạng Sơn 4.941 ca, Thái Nguyên 4.933 ca, Lào Cai 4.810 ca, Hưng Yên 4.533 ca, Sơn La 4.504 ca, Đắk Lắk 4.472 ca, Tuyên Quang 4.297 ca, Hòa Bình 3.984 ca, Cà Mau 3.881 ca, Quảng Bình 3.656 ca, Điện Biên 3.608 ca, Bình Định 3.115 ca, Thái Bình 3.023 ca.
Hôm nay, Sở Y tế Nghệ An đăng ký bổ sung 56.827 ca, Sở Y tế Thanh Hóa đăng ký bổ sung 30.155 ca sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng giảm 2.032 ca, Hà Giang giảm 1.873 ca, Hòa Bình 862 ca. Các tỉnh có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Vĩnh Phúc tăng 5.882 ca, Bình Dương tăng 1.991 ca, Bến Tre tăng 1.614 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 167.163 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Có 4.210 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 62 ca tử vong tại các tỉnh thành. Trong đó, Đồng Nai và Hà Nội mỗi nơi 5 ca, Nghệ An 4 ca, Bạc Liêu, Đà Nẵng, Gia Lai, Kiên Giang, Quảng Ninh và TP.HCM mỗi nơi địa phương 3 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bình Dương, Cần Thơ, Điện Biên, Hậu Giang, Quảng Bình, Thái Nguyên và Vĩnh Long mỗi nơi 2 ca…
Nhân viên hàng không hướng dẫn hành khách làm thủ tục tại Singapore để lên chuyến bay sang Việt Nam ngày 16.3 vna |
Hôm nay 16.3, Bộ Y tế có công văn số 1265 về hướng dẫn phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh. Công văn 1265 được ký cuối ngày 15.3, là thời hạn cuối cùng phải có hướng dẫn này, theo yêu cầu của Chính phủ. Hướng dẫn nêu rõ: đối với người nhập cảnh theo đường hàng không, cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2; và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận. Các trường hợp nhập cảnh theo đường bộ, đường thủy, đường sắt, Bộ Y tế hướng dẫn: phải có xét nghiệm như với nhập cảnh đường hàng không (trừ trẻ em dưới 2 tuổi).
Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2) kể từ khi nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Hướng dẫn nêu rõ: trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.
Theo báo cáo ngày 11.3 của Bộ Y tế gửi Thủ tướng, bộ này cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 14 về việc mua vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi (ngày 5.2.2022) và Quyết định 170/QĐ-TTg về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (ngày 8.2.2022), Bộ Y tế đã khẩn trương làm việc với Pfizer để thương thảo, hoàn thiện các nội dung của dự thảo hợp đồng mua vắc xin. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hợp đồng phụ thuộc nhiều vào phía Pfizer do Pfizer là phía soạn thảo hợp đồng, Bộ Y tế không chủ động được. Bộ Y tế đã có văn bản gửi Pfizer đề nghị hoàn thiện hợp đồng mua vắc xin, mong muốn nhận đủ vắc xin trong quý 1 - quý 2/2022 và có sự khẳng định của Pfizer về giá mỗi liều vắc xin.
Tại báo cáo, Bộ Y tế giải trình: Bộ Y tế đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư khẩn trương hoàn thiện dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu để trình bộ phê duyệt theo đúng các quy định của luật Đấu thầu. Trong quá trình làm việc với Pfizer để mua 21,9 triệu liều vắc xin, Bộ Y tế cũng nhận được thông tin từ CDC Mỹ về khả năng Mỹ có thể viện trợ khoảng 10 triệu liều vắc xin cho Việt Nam. Bộ Y tế đã có ý kiến đề nghị Chính phủ Mỹ sớm thông báo cho Việt Nam số lượng và thời gian cụ thể hỗ trợ để Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ để mua tiếp số vắc xin còn thiếu từ Pfizer. Nếu đến ngày 15.3, phía Mỹ chưa thông báo cụ thể số lượng vắc xin hỗ trợ Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ ký hợp đồng mua 21,9 triệu liều vắc xin của Pfizer và từ chối không nhận vắc xin viện trợ từ Mỹ để tránh vắc xin không sử dụng hết phải tiêu hủy.
Ngày, 16.3, tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, nơi đây đã phát hành thông báo ý kiến của ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban phòng, chống Covid-19 tỉnh Cà Mau, tại cuộc họp giao ban về chỉ đạo mới của tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19. Thông báo có nhiều nội dung, trong đó có nội dung cho phép cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... là F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 có nguy cơ, nguy cơ cao được đi làm việc, nhưng trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo nguyên tắc không tiếp xúc với người khác.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... hỗ trợ người lao động xét nghiệm 2 lần/tuần, bố trí sản xuất, kinh doanh khoa học, hợp lý nhất và đảm bảo an toàn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phân công công việc hợp lý, đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tránh trường hợp lợi dụng dịch bệnh để nghỉ việc, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, trên cơ sở khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh học sinh nên tỉnh có văn bản về tổ chức dạy và học từ ngày 17.3. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo cấp học mầm non cho trẻ dừng đến trường. UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng giáo dục căn cứ tình hình thực tế của địa phương, chọn 1 đến 2 điểm trường trung tâm để tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo nhu cầu của phụ huynh. Học sinh từ lớp 1 - 7 chuyển sang học trực tuyến theo chương trình chính khóa nhưng giáo viên vẫn đến lớp dạy trên phòng học được kết nối camera, tạo đường link trực tuyến để học sinh học tại nhà. Bên cạnh đó, trường hợp học sinh có nhu cầu học trực tiếp và được sự thống nhất của phụ huynh thì vẫn đến lớp học trực tiếp bình thường.
Những trường chưa đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị truyền dẫn, thì trước mắt tiếp tục duy trì các lớp học trực tuyến như trước đây qua các phần mềm ứng dụng và dạy học qua truyền hình. Những trường học trên địa bàn chưa có ca nhiễm Covid-19 hoặc có ca nhiễm nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch, trên cơ sở tham khảo và được sự đồng thuận của đa số phụ huynh học sinh thì có thể tổ chức dạy học trực tiếp. Đối với học sinh từ lớp 8 - 12 (kể cả GDTX), Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp theo quy định của ngành giáo dục.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, chuyến bay chở khách nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam sau khi triển khai mở cửa lại thị trường quốc tế từ 15.3. Chuyến bay đã hạ cánh an toàn tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 14 giờ 40 chiều nay. Chuyến bay do hãng hàng không Vietnam Airlines thực hiện, mang số hiệu VN650 hành trình từ Singapore đến TP.HCM chở hơn 100 hành khách, trong đó có 20 khách quốc tịch nước ngoài. Cũng trong ngày hôm nay, chuyến bay VN651 từ TP.HCM đã đến Singapore lúc 12 giờ 30 sáng và được ghi nhận là chuyến bay đầu tiên chở du khách Việt Nam theo chương trình "Hành lang du lịch dành cho người đã tiêm vắc xin" của Singapore (Vaccinated Travel Lane - chương trình cho phép du khách có thể vào Singapore mà không phải thực hiện cách ly). Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ hôm qua (15.3) với việc khôi phục lại các chính sách miễn thị thực đơn phương và chính sách xuất nhập cảnh như giai đoạn trước Covid-19.