Sự "bấp bênh" trên thị trường
Các đợt phong toả mới ở Trung Quốc đã kéo giá dầu về mức gần 100 USD/thùng, tạo ra sự bấp bênh mới trong phát triển kinh tế toàn cầu vốn bị kìm hãm bởi chiến sự ở Ukraine, lạm phát gia tăng và các biện pháp kích thích đến hồi kết.
Giá dầu giao sau tại thị trường New York giảm 6,4% trong ngày 15/3, kéo dài đà giảm trong tuần qua lên hơn 22%. Tuần trước, lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, giá dầu đã vượt mức 130 USD/thùng, phản ánh dự đoán rằng cú sốc nguồn cung liên quan đến chiến tranh có thể kéo dài.
Hoạt động thương mại đã được tháo gỡ bởi các cuộc đàm phán ngừng bắn, những người mua dầu châu Á săn lùng món hời từ dầu Nga và lời nhắc nhở từ Trung Quốc rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc.
Các thị trường từ cổ phiếu, trái phiếu cho đến gỗ, lúa mì đã bị xáo trộn bởi biến động trong năm nay, khi các ngân hàng trung ương bắt đầu rút dần các biện pháp kích thích kinh tế trong thời đại dịch. Xung đột Nga và Ukraine cũng có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng.
Dự báo Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 3 năm đã làm giảm sức hấp dẫn đối với những tài sản rủi ro.
Mặc dù tăng điểm trong ngày 15/3, cổ phiếu công nghệ là nhóm đã giảm mạnh trong thời gian qua. Nasdaq Composite giảm 17% trong năm nay. Chứng khoán Trung Quốc "bốc hơi" 7,4% trong tuần này do lo ngại gia tăng liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu và các câu hỏi về sự tăng trưởng ở Trung Quốc. Cổ phiếu năng lượng, nơi các nhà đầu tư tìm kiếm sự bảo vệ khỏi lạm phát cao kỷ lục, gần đây cũng giảm độ hấp dẫn.
Ngày 15/3, chỉ số S&P 500 tăng 2,1%, trong khi cổ phiếu năng lượng giảm 3,7%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 600 điểm, tương đương tăng 1,8%.
Sự khôn lường từ mọi góc độ đã làm lu mờ các dự báo kinh tế. Điều này cũng khiến tất cả mọi người, từ thợ khoan dầu, nhà sản xuất kim loại đến các chủ nhà hàng và chủ đất gặp khó khăn khi đưa ra các quyết định kinh doanh.
Từ "bất ổn" đã trở thành một từ thông dụng đối với các nhà đầu tư. Giám đốc điều hành Volkswagen AG Herbert Diess nói với các nhà đầu tư rằng cuộc chiến đã đặt ra câu hỏi cho triển vọng lạc quan mà nhà sản xuất ô tô Đức đặt ra cho năm 2022.
Sung Won Sohn, giáo sư tài chính và kinh tế tại Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles, cho biết: "Cả tăng trưởng kinh tế và lạm phát đều đang trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn. Sự bất ổn đang gia tăng".
Tuần trước, giá dầu đạt mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ. Giá tăng cao do các hoạt động đầu cơ và mua vào hoảng loạn sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt Nga. Vấn đề lo ngại là sản lượng từ một trong những nhà xuất khẩu xăng dầu lớn nhất thế giới sẽ cạn kiệt khi các nền kinh tế trỗi dậy sau đại dịch và bắt đầu sử dụng nhiều nhiên liệu hơn. Giá dầu cao dường như là ván cược chắc chắn nhất trên thị trường, trong khi cổ phiếu và trái phiếu bị bán tháo.
Ngày 15/3, dầu WTI giảm 6,57 USD/thùng, xuống còn 96,44 USD. Đây là mức giảm hơn 22% so với một tuần trước đó, khi giá dầu Mỹ ổn định ở mức 123,70 USD/thùng. Dầu thô Brent vốn tăng trên 130 USD/thùng trong đầu phiên giao dịch tuần trước đã giảm 6,5% trong ngày 15/3, chốt ở mức 99,91 USD/thùng.
Giá xăng và dầu diesel giao sau ở thị trường New York cũng lao dốc, đảo ngược phần lớn đà tăng của chúng kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu. Cổ phiếu năng lượng, phân khúc duy nhất của chỉ số chứng khoán S&P 500 tăng trong năm nay và gần đây đã đóng vai trò là một vùng đệm lạm phát, cũng bị ảnh hưởng. Cổ phiếu của Exxon Mobil giảm 5,7%, trong khi công ty lọc dầu Valero Energy giảm 6,8%.
Tuy nhiên, giá nhiên liệu vẫn duy trì ở mức cao đủ để làm giảm ngân sách hộ gia đình vốn đã căng thẳng do lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, chi phí tiêu dùng năng lượng ở Mỹ đã nhảy vọt 25,6% trong tháng hai so với 1 năm trước đó và so với tỷ lệ lạm phát chung7,9%.
Mặc dù đã thủng mốc 100 USD/thùng, giá dầu vẫn đắt hơn 49% so với năm 2021. Bất chấp sự sụt giảm trên thị trường giao chậm, giá bán lẻ trung bình trên toàn quốc cho một gallon xăng không chì đã đạt kỷ lục 4,33 USD vào cuối tuần và chỉ rẻ hơn khoảng 1 cent trong ngày 15/3, theo AAA.
Giá xăng bán lẻ trung bình toàn quốc đã tăng lên mức kỷ lúc trong cuối tuần qua. Ảnh: Zume Press
Khó khăn trong dự đoán thị trường
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã từ bỏ việc cố gắng dự báo tác động của chiến tranh đối với thị trường năng lượng. Ngày 15/3, Cartel đã từ chối thực hiện bất kỳ sửa đổi nào đối với dự báo thị trường hàng tháng của mình. Họ nói rằng không thể dự đoán chính xác hậu quả sâu rộng của cuộc xung đột.
Các hạn chế mới của Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi về nhu cầu dầu mỏ và làm dấy lên nghi ngờ việc thế giới có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn sau đại dịch. Bên cạnh việc các lái xe không thể làm việc, các nhà máy ở khu vực phong toả cũng có thể gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ hàng hoá, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hàng và đẩy giá lên cao.
Nhà kinh tế trưởng Bruce Kasman của JPMorgan Chase cho biết: "Đó là vấn đề mới trong câu chuyện mà chúng ta phải đối mặt". Ông dự đoán lạm phát sẽ tăng cao hơn nhiều trong những tháng tới. Điều này cuối cùng sẽ cản trở khả năng chi tiêu của các hộ gia đình và làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Các nhà kinh tế học của ngân hàng dự đoán rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ 2,5% một năm trong nửa đầu năm nay, giảm so với dự báo tăng trưởng 4% của tháng trước. Họ dự đoán giá tiêu dùng sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 7% trong 6 tháng đầu thay vì ước tính trước đó là 4%.
Ngân hàng Mỹ tuần trước dự đoán sản lượng toàn cầu sẽ tăng 3,6% trong năm nay, giảm so với ước tính trước đó là 4,3%. Song, các dự báo có thể thay đổi một lần nữa do các điều kiện đang thay đổi nhanh chóng.
Theo WSJ
http://tintuc.vdong.vn/03/1274616.htm