Dưới đây là bài viết kể lại hành trình của Linh Janetta Le từ những năm còn học cấp 3, để vươn tới vị trí trưởng bộ phận đặt phòng khách sạn quốc tế Mgallery, giai đoạn 2019-2020. Không thể phủ nhận yếu tố may mắn trong đó, nhưng rõ ràng, Linh Janetta Le "gặp may" bởi chính bản thân cô đã chủ động tạo điều kiện để may mắn tìm đến mình.
Có nhiều bạn hỏi mình đã làm gì để thăng tiến được lên Reservations Manager của khách sạn 5 sao quốc tế khi còn trẻ? Các bạn biết không, đây là câu hỏi không có câu trả lời cụ thể. Đối với bản thân mình, nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm định hướng, lên kế hoạch, hành động, quan sát, đánh đổi, và không thể thiếu một chút may mắn nữa.
Về định hướng, mình có giải Học sinh giỏi Quốc gia Toán, mình biết mình có khả năng quan sát, suy luận và tự học tốt. Thị trường khách sạn sang xịn mịn ở Việt Nam thì rất nhiều cán bộ cấp cao là người nước ngoài. Chất lượng nguồn nhân lực thị trường cũng không nhiều người thật sự có trình độ, thậm chí ở thời điểm hiện tại. Có nhiều vị trí rất chủ chốt chưa được thị trường khai thác hết tiềm năng. Có nhiều vị trí đòi hỏi rất cao nhưng thực tế người nắm giữ lại không hiểu gì về nó, mình thẳng thắn luôn điển hình là Guest Experience (Trải nghiệm khách hàng, PV). Mình tin mình giỏi, và kể cả khi có hoặc không có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến thị trường thì mình vẫn tin vào khả năng tạo ra ảnh hưởng tích cực rõ rệt cho cơ sở lưu trú mà mình làm việc trong thời gian ngắn.
Mình lên kế hoạch theo học tại trường Les Roches, Thuỵ Sĩ. Nếu các bạn cân nhắc việc du học đa số các trường tại Thuỵ Sĩ nói chung so với các môi trường khác thì có rất nhiều bất lợi: Chi phí đắt đỏ, cơ hội ở lại tìm việc xấp xỉ 0%, các trường không phải là một trường Đại học "thuần tuý". Thế tại sao khi đó mình vẫn chọn Les Roches? Bởi không có nhiều trường trên toàn thế giới có thể so kè về giáo dục ngành Quản trị khách sạn (QTKS), và thăng tiến trong ngành QTKS tại Việt Nam là định hướng của mình khi đó.
Mình không cần cơ hội ở lại Thuỵ Sĩ tìm việc sau tốt nghiệp, mình tin vào khả năng xin thực tập 18 tháng tại Thuỵ Sĩ trong thời gian đi học để có thu nhập xấp xỉ 700 triệu VND/năm, nên bằng cấp của Les Roches chính là điều mình cần. Mình biết để thực tập tại Thuỵ Sĩ với vị trí mà mình mong muốn thì một trong những yêu cầu mà sinh viên Việt Nam theo học QTKS thiếu nhất là ngoại ngữ. Mình may mắn đã theo học tiếng Pháp từ lớp 1, nên năm lớp 11 mình lên kế hoạch học tiếng Đức. Thế là đủ bao quát 2 vùng lớn nhất của Thuỵ Sĩ rồi.
Ngoài kế hoạch học ngoại ngữ, mình cũng tự vạch sẵn đường đi dài hạn cho bản thân năm lớp 12, rằng mình muốn đi lên từ Rooms Division (bộ phận phòng) rồi thăng tiến đến General Manager (quản lý cấp cao) và thậm chí cao hơn thế. Các hành động của mình trong 18 tháng thực tập bám sát kế hoạch đó. Bạn có thể xem LinkedIn của mình để hiểu rõ hơn trong từng kì thực tập mình đã có những thu hoạch gì. Nếu bạn không có những cơ hội để hành động như mình đi thực tập, thì bạn chần chờ gì nữa, chủ động hỏi, chủ động đi tìm, chủ động đọc, chủ động giao lưu kết bạn, chủ động tự rèn luyện bản thân, v.v… Không ai biết bạn giữ được định hướng đó trong bao lâu, nhưng những điều mà chính bạn tự vỡ lẽ ra trong quá trình theo đuổi mục tiêu định hướng đó sẽ theo bạn suốt đời, và một lúc nào đó bạn sẽ cần đến nó. Ngoài ra, hành động còn phải kể đến việc "dám nghĩ dám làm", vì nếu bạn có tư tưởng "mình còn chưa tốt nghiệp, ai cho mình làm quản lí" thì tức là chính bạn đã đầu hàng trước cả khi bạn bắt tay vào làm rồi. Năng lực là thứ quyết định, không phải tuổi của bạn. Nếu cứ mãi đắn đo về độ trẻ và sức ảnh hưởng, Mark Zuckerberg sẽ không "dám" tạo ra đế chế Facebook, hay Evan Spiegel sẽ không "dám" dựng nên Snap bây giờ.
Dù vậy, trong LinkedIn cũng không thể kể hết mọi thứ. Mình đã dành rất nhiều thời gian quan sát cách xử lí tình huống của đồng nghiệp và tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời cũng quan sát cả khách hàng để tìm ra đặc điểm chung về hành vi của các nhóm khác nhau. Nhờ khả năng tìm quy luật tốt mà mình đã rèn luyện được từ nhỏ, kho tàng bảo bối mình có được trong đầu là rất lớn. Mình còn làm giàu thêm cái kho tàng đó nhờ nói chuyện trao đổi liên tục không chỉ với quản lí mà với cả những người làm việc cùng mình cùng và khác bộ phận, rồi mình tự hiểu ra tại sao có những người họ mãi ở vị trí đó không lên được, trong khi người khác lại cứ lên vèo vèo. Và ngay cả khi mình đã giữ vị trí Reservations Manager rồi thì mình vẫn cứ tiếp tục quá trình học hỏi này, không ngừng nghỉ. Ngừng quan sát tức là hài lòng với bản thân, cũng là đồng thời làm yếu đi năng lực cạnh tranh của chính mình. Mình không cho phép điều đó.
Mình đã đánh đổi điều gì? Tính cách của mình là luôn hướng về những nơi có nhịp sống luôn nhộn nhịp, nhanh chóng. Môi trường sống như vậy đa phần là tập trung ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, mình không dốt. Mình đi làm chính thức toàn thời gian là hè 2019, mọi guồng quay đều vẫn đang nhịp nhàng và phát triển, tự đưa đầu mình vào chọi với nguồn nhân lực hùng hậu của thành phố lớn cho vị trí quản lí khách sạn cao cấp quốc tế chả khác nào tự sát. Mình đi lên Sapa, nơi MGallery đi tắt đón đầu một thị trường mới, nơi mà chắc chắn guồng quay vận hành không thể nào hoàn chỉnh. Và mình, với một hồ sơ thuộc dạng cũng đẹp cùng sự chuẩn bị kĩ càng để nghênh chiến thách thức, sẽ khó là một người mà thị trường "dám" bỏ lỡ.
Cuối cùng, không thể không kể đến may mắn. Mọi toan tính của mình đều "vứt đi" nếu đầu tàu khách sạn không hoan nghênh rủi ro. Bao nhiêu Nhân sự vừa nhìn cái CV của một người 20 tuổi không có bằng đại học cho vị trí Reservations Manager mà không tự động "vứt sọt rác" khỏi thèm nhìn? Bao nhiêu Tổng quản lí, Giám đốc kinh doanh và Nhân sự chấp nhận bỏ thời gian cả tiếng đồng hồ 3 lần để phỏng vấn một du học sinh xa lạ với cái CV đó? Nhờ 1 tiếng đồng hồ đầu tiên mà mình thuyết phục được Nhân sự để vô vòng 2, nhờ 1 tiếng đồng hồ tiếp theo mà mình thuyết phục được Giám đốc kinh doanh để vô vòng 3, và nhờ 1 tiếng đồng hồ nói chuyện với Tổng quản lí với duy nhất 1 câu hỏi chủ chốt mà mình đã trao đổi luôn về công việc ngay trong buổi nói chuyện.
Khi là một người ngoài cuộc nhìn vào, bạn mãi mãi không bao giờ hiểu được hết một người họ đã làm những gì để đạt được điều họ đạt được, dù bạn có thân cận với họ đến đâu. Nếu để tóm gọn lại, thì đó là dựa vào chính mình, tận dụng tối đa mọi nguồn lực sẵn có xung quanh, và bứt phá.
http://tintuc.vdong.vn/03/1274626.htmLê Khánh Linh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị