Không cần thay đổi
Lương của CEO và HĐQT tại Berkshire Hathaway hiện vẫn giữ nguyên ở mức những năm 1960. Ban giám đốc được trả lương hoàn toàn bằng tiền mặt. Không ai được thưởng bằng cổ phiếu.
Đồng thời, tình trạng quan liêu phải giữ ở mức tối thiểu. Đích thân Warren Buffett sẽ quyết định mức lương của các lãnh đạo hàng đầu. Tất cả những thông tin này được trình bày rõ trong bản tuyên bố ủy quyền hàng năm của Berkshire. Tuyên bố mới nhất được phát hành ngày 11/3.
Theo tờ Barron's, công thức của Berkshire đã hoạt động cực kỳ hiệu quả trong hơn 50 năm qua nhờ trí tuệ của Warren Buffett. Giá cổ phiếu hạng A của Berkshire lần đầu vượt mốc 500.000 USD trong phiên 14/3 và tiếp tục lên lên 501.939 USD vào ngày kế tiếp.
Tính từ đầu năm 2022 đến kết phiên 15/3, cổ phiếu Berkshire hạng A đi lên 10,54%, còn chỉ số S&P 500 cắm đầu giảm 10,57%. Khi Warren Buffett mới tiếp quản tập đoàn vào năm 1965, cổ phiếu hạng A của Berkshire được giao dịch với giá khoảng 20 USD – tương ứng tỷ suất lợi nhuận hàng năm 20%, gấp đôi của chỉ số S&P 500.
Trong năm 2021, Warren Buffett nhận lương 100.000 USD và không một đồng tiền thưởng nào, giống như hơn 25 năm qua. Các CEO thời thập niên 1960 trung bình kiếm hơn 200.000 USD mỗi năm, còn Warren Buffett nói ông chỉ muốn nhận bấy nhiêu.
Chế độ trả lương cho các giám đốc tại Berkshire là một sự tương phản thú vị so với hầu hết các công ty lớn. Tại những doanh nghiệp lớn, các giám đốc hàng đầu được trả lương dựa trên các công thức dài dòng khó hiểu, một phần do các chuyên gia tư vấn vạch ra.
Warren Buffett không ưa thích các chuyên gia tư vấn, nói rằng công thức của họ thổi phồng lương thưởng của CEO.
Phó Chủ tịch Charlie Munger của Berkshire, người cũng chỉ nhận 100.000 USD mỗi năm, có quan điểm còn mạnh mẽ hơn. Năm 2004, ông tuyên bố: "Tôi thà bỏ một con rắn độc lên ngực áo mình còn hơn là thuê chuyên gia về lương thưởng".
Berkshire trả 273.204 USD để bảo vệ an toàn cho Warren Buffett vào năm 2021. Tuy nhiên chi phí này vẫn còn là một món hời khi so với các CEO khác. Meta (công ty mẹ Facebook) chi 13 triệu USD cho an ninh của CEO Mark Zuckerberg vào năm 2020.
Thành viên HĐQT của Berkshire được trả 900 USD cho mỗi cuộc họp tham dự trực tiếp, và 300 USD khi họp qua điện thoại. Với ba cuộc họp HĐQT năm ngoái, thù lao của mỗi thành viên vào khoảng 2.100 USD. Một số người được nhận 4.000 USD vì là thành viên của ủy ban kiểm toán. Trong khi đó, thù lao trung bình của thành viên HĐQT tại các công ty lớn là hơn 250.000 USD mỗi năm.
Có thể các thành viên của Berkshire coi việc được phục vụ trong HĐQT của Warren Buffett là đặc quyền, do đó họ không đòi hỏi các gói bảo hiểm cao cấp, dù chúng là tiêu chuẩn tại các công ty lớn.
Đi ngược thói thường
Berkshire vẫn là tập đoàn của Warren Buffett. Vị chủ tịch kiêm CEO 91 tuổi sở hữu 16% cổ phần Berkshire, trị giá khoảng 177 tỷ USD và 32% quyền biểu quyết.
Số buổi họp HĐQT của Berkshire tương đối ít, trong khi Meta tổ chức 15 buổi họp trong 2020. Warren Buffett không phải là người thích họp hành.
Warren Buffett thường ấn định mức lương cho ba lãnh đạo hàng đầu của Berkshire là Phó Chủ tịch Ajit Jain và Greg Abel cùng Giám đốc Tài chính Marc Hamburg.
"Các yếu tố mà ngài Buffett dùng để ấn định thù lao cho ông Abel, Jain và Hamburg thường mang tính chủ quan, ví dụ như nhận thức của ông về hiệu quả làm việc và thay đổi trong trách nhiệm của từng người", bản tuyên bố năm nay ghi rõ.
Hai ông Jain và Abel lần lượt là người đứng đầu mảng kinh doanh bảo hiểm và kinh doanh phi bảo hiểm của Berkshire. Mỗi người được trả lương thưởng tổng cộng 19 triệu USD mỗi năm trong ba năm qua.
Không chỉ ban lãnh đạo không được nhận cổ phiếu mà dường như toàn bộ nhân viên Berkshire cũng vậy – trái ngược với mọi công ty lớn ở Mỹ.
Warren Buffett nói mỗi cổ phiếu của Berkshire rất quý giá, ông ghét việc phát hành cổ phiếu và pha loãng quyền cổ đông. Lá thư thường niên 2016 của ông viết rằng Berkshire thích trả bằng tiền mặt hơn là cổ phiếu trong thương vụ mua lại.
Ông viết: "Ngày hôm nay, tôi thà chuẩn bị cho một cuộc nội soi đại tràng còn hơn là phát hành thêm cổ phiếu Berkshire".
Warren Buffett cũng ghét thói quan liêu. Bạn của ông là CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase nói rằng quan liêu là tai ương của mọi công ty lớn.
Trước đây, Warren Buffett chỉ ra rằng trụ sở của Berkshire tại Omaha có rất ít nhân viên, không có bộ phận quản trị nhân lực, quan hệ với nhà đầu tư, quan hệ công chúng hay bộ phận pháp lý. Dù vậy, cần chỉ ra rằng nhiều công ty con của tập đoàn có một số bộ phận như vậy.
Tập đoàn không đặt ra mục tiêu về đa dạng sắc tộc trong HĐQT, nhưng hai trong số 14 thành viên hiện tại thuộc chủng tộc hoặc dân tộc thiểu số, và 4 người là phụ nữ.
Thay vào đó, Uỷ ban Quản trị của Berkshire "tìm kiếm những cá nhân có tính chính trực rất cao, hiểu biết sâu về kinh doanh, muốn cống hiến cho các cổ đông và quan tâm sâu sắc thực sự đến tập đoàn".