Giá nhiều loại chi phí đầu vào tăng đang khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp gặp không ít áp lực.
Trung bình mỗi tháng, Công ty Cổ phần 22 sản xuất từ 100 - 120 tấn lương khô cung ứng cho thị trường. Mặc dù nguyên liệu cho một số mặt hàng đã tăng đến 25%, nhưng họ vẫn cố gắng để duy trì giá bán ra ổn định bằng nhiều giải pháp.
"Chúng tôi ứng dụng nhiều công nghệ mới, thiết bị có năng suất cao để giảm thiểu phụ phẩm trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, chúng tôi làm việc với các nhà cung cấp để chia sẻ với nhau trong giai đoạn có những biến động chung", Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần 22 Nguyễn Trung Dũng cho biết.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Theo chia sẻ của các nhà bán lẻ, họ đã có những lời đề nghị tăng giá từ một số đơn vị cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, giá vẫn đang được bình ổn do hợp đồng ký kết từ trước.
"Hơn 40.000 sản phẩm và 2.000 nhà cung cấp của chúng tôi hiện tại vẫn cam kết chưa tăng giá bán. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với tất cả các chuỗi cung ứng trong nước và nhập khẩu để đưa ra được một mức giá hợp lý nhất cho người tiêu dùng", ông Nishikawa Satoshi, Giám đốc Khu vực miền Bắc, AEON Việt Nam, cho hay.
Theo Sở Công Thương TP Hà Nội, hiện tại phần lớn các mặt hàng tiêu dùng trong hệ thống trên địa bàn vẫn chưa tăng giá đột biến, chỉ rau, củ, quả ghi nhận tăng 5% so với tuần trước. Sức tiêu thụ của người tiêu dùng vẫn ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.
"Tổng mức bán lẻ của Hà Nội 2 tháng đầu năm ghi nhận tăng trưởng 10,8%. Đây là con số khích lệ trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. TP Hà Nội sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, các hệ thống phân phối đưa ra chương trình khuyến mại, kích cầu, tri ân với người tiêu dùng để thu hút đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm, phấn đấu đạt mục tiêu tổng mức bán lẻ tăng 7,5 - 8% trong năm nay", bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, nhận định.
Các doanh nghiệp sản xuất cũng kỳ vọng chính sách điều hành giá của Chính phủ cũng như việc giảm thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp giảm bớt được gánh nặng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phục hồi sau thời kỳ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
VTV.vn - Đàm phán hàng ngày với nhà cung cấp, thực hiện các chương trình khuyến mại… là những cách mà nhiều hệ thống siêu thị thực hiện để hỗ trợ người tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.59152425171302202-gnourt-iht-no-hnib-aig-uig-cul-on-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv