Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã nhấn mạnh tới xu hướng giá xăng leo dốc mạnh mẽ khi giá dầu tăng vọt, nhưng chỉ giảm nhẹ như “lông hồng” khi giá dầu thô “hạ nhiệt”.
Người đứng đầu Nhà Trắng đã đăng một dòng tweet vào sáng 16/3, 'phàn nàn" về sự suy giảm chậm chạp của giá xăng, điều khiến nhiều chuyên gia cho rằng đã ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng Mỹ.
Tổng thống Biden nói: “Giá dầu và giá khí đốt đang giảm. Các công ty dầu khí không nên đánh đổi lợi nhuận của họ bằng tiền của những người Mỹ chăm chỉ".
Sự quan tâm của Chính phủ Mỹ đối với đà biến động phức tạp của giá năng lượng cho thấy "sự không hài lòng và thất vọng" của Nhà Trắng với một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát cao.
Liên tiếp lập kỷ lục mới
Sự chú ý của Tổng thống Biden tập trung vào vấn đề giá xăng "tăng mạnh, giảm nhẹ" diễn ra sau khi các thành viên Đảng Dân chủ thuộc Hạ viện Mỹ đã viết một lá thư vào tuần trước kêu gọi các lãnh đạo Quốc hội nước này ngay lập tức điều tra và tổ chức các phiên điều trần về cáo buộc “nâng giá cơ hội” trong ngành dầu khí.
Họ cũng đề xuất “Thuế lợi nhuận ngoài dự tính” (Big Oil Windfalls Profit Tax) đối với các công ty dầu mỏ nhằm hạn chế họ “trục lợi".
Giá xăng tại Mỹ đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào tuần trước, sau khi giá dầu thô chạm mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2008. Cụ thể, giá xăng tại Mỹ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới, ở mức trung bình 4,43 USD/gallon (3,78 lít) vào ngày 13/3, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn.
Mỗi gallon xăng thông thường tăng 79 xu Mỹ trong 2 tuần qua, khiến giá xăng hiện tại trung bình cao hơn 1,54 USD/gallon so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, mức cao kỷ lục đối với giá xăng là 4,11 USD/gallon vào tháng 7/2008.
Ở một số khu vực của Mỹ, giá xăng đã tăng lên mức 6 USD/gallon, đặc biệt giá xăng tại một số trạm xăng ở Los Angeles lên đến gần 7 USD/gallon. Bên cạnh đó, giá dầu diesel cũng tăng thêm 1,18 USD/gallon trong những tuần gần đây, ở mức 5,2 USD/gallon.
Giá xăng liên tục tăng lên các mức kỷ lục mới sau khi Tổng thống Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên và than đá của Nga trong một nỗ lực trừng phạt nước này do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo dự báo của giới chuyên gia kinh tế, giá xăng, vốn đã tăng trước khi xảy ra căng thẳng Nga-Ukraine, có khả năng sẽ tiếp tục xu hướng tăng cao trong thời gian tới.
Các số liệu thống kê chính thức mới đây cho thấy Mỹ hầu như không sử dụng dầu của Nga. Vì vậy, về mặt lý thuyết, căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu và khí đốt tăng đột biến sẽ ít tác động đến nước này.
Tuy nhiên, do thị trường hàng hóa thế giới có liên kết chặt chẽ với nhau và dầu được định giá thông qua thị trường toàn cầu, nên thực tế là người dân Mỹ đang chịu ảnh hưởng lớn khi giá xăng tại nước này nhảy vọt lên những mức kỷ lục mới.
Còn theo báo cáo công bố ngày 16/3 của Bộ Thương mại Mỹ, giá xăng tăng đã giúp doanh số bán lẻ tại nước này tăng trong tháng 2/2022, dù mức tăng thấp hơn dự kiến. Doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng trước tăng 0,3%, sau khi tăng 4,9% trong tháng Một.
Trong tháng Hai, doanh số bán lẻ tăng chủ yếu là nhờ doanh số bán tại các trạm bơm xăng tăng 5,3%, mức tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng. Nếu không tính doanh số bán xăng, doanh số bán lẻ giảm 0,2%.
Nghịch lý tồn tại?
Nhà kinh tế Lydia Bossour thuộc công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics (Anh) cho rằng lạm phát giá hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm, năng lượng, tăng mạnh gần đây sẽ gây sức ép lên túi tiền của các gia đình và khiến họ cắt giảm chi tiêu cho các hàng hóa không thiết yếu, trong khi các vấn đề của chuỗi cung ứng tiếp tục hạn chế tăng trưởng doanh số.
Hiện giá xăng đang giảm, nhưng với tốc độ rất chậm, bất chấp thực tế là dầu Brent đã giảm 28% từ mức đỉnh ghi nhận vào ngày 6/3. Đối với Andy Lipow, Chủ tịch công ty tư vấn Lipow Oil Associates, điều này không có gì mới. Ông Lipow cho biết: “Điều này đã diễn ra trong 40 năm. Để giá cả giảm, có thể sẽ phải mất một thời gian dài".
Và dù thực trạng này là cũ hay mới, Tổng thống Biden cũng không hài lòng, đặc biệt là sau khi chứng kiến hiện tượng này vào mùa Thu năm ngoái, khi giá khí đốt giảm rất chậm ngay cả khi Mỹ giải phóng kho dự trữ dầu khẩn cấp và biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 bị suy yếu.
Đầu tuần này, nhà phân tích Patrick De Haan của công ty GasBuddy cho biết, sự sụt giảm giá khí đốt sẽ "tăng tốc" nếu giá dầu duy trì ở mức dưới 100 USD/thùng. Theo nhà phân tích này, khi lợi nhuận của các công ty xăng dầu đã được cải thiện thì họ sẽ bắt đầu giảm giá cho khách hàng.
Mới chỉ hai năm trước, ngành công nghiệp dầu mỏ đã lâm vào cảnh “khốn đốn”. Giá dầu giảm, trong đó dầu thô của Mỹ lần đầu tiên “tuột” xuống mức âm, khiến giá xăng giảm đáng kể.
Hiệp hội Các cửa hàng tiện lợi quốc gia Mỹ, đại diện cho ngành bán lẻ nhiên liệu, đã thừa nhận rằng các nhà bán lẻ có thể không giảm giá xăng ngay lập tức sau đợt tăng giá dầu vừa qua để bù đắp cho khoản lợi nhuận mà họ đã mất trong quá trình tăng giá.
Họ đang tranh thủ lấy lại lợi nhuận đã mất càng nhanh càng tốt đơn giản chỉ vì không biết tương lai giá dầu sẽ diễn biến như thế nào.
Tuy vậy, theo ông Lipow, có thể chưa hợp lý khi nói rằng giá xăng sẽ thay đổi ngay lập tức chỉ vì xu hướng lên hay xuống của giá dầu, bởi cần có thời gian để sự biến động giá “lọc” qua chuỗi cung ứng.
Một chủ trạm xăng trong hôm nay có thể sẽ bán nhiên liệu được mua trước đó vài ngày, khi giá dầu đang ở mức cao hơn nhiều. Điều này đặc biệt đúng trong thị trường biến động mạnh liên tục như ngày nay.
Trong khi đó, Tom Kloza, trưởng bộ phận phân tích năng lượng toàn cầu của công ty phân tích thị trường năng lượng Oil Price Information Service (Mỹ) cho biết, các trạm xăng không có lựa chọn nào khác ngoài việc vượt qua tác động của giá dầu tăng cao vì áp lực đè lên biên lợi nhuận của họ.
Về phần mình, Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn và kiểm toán RSM (Anh), lưu ý rằng giá xăng là một “hàm số” của các giao dịch mua trong quá khứ và kỳ vọng xung quanh chi phí giao hàng trong tương lai, trong khi hiện tại có rất nhiều sự không chắc chắn về hướng đi của giá dầu.
Còn theo công ty nghiên cứu kinh tế Moody's Analytics (Mỹ), giá xăng cứ tăng mỗi 10 xu Mỹ sẽ khiến người tiêu dùng tiêu tốn ít nhất 11 tỷ USD trong suốt một năm. Giá xăng đã tăng trong một năm rưỡi qua và vào cuối tuần trước, giá mặt hàng này đã cao hơn khoảng 1,5 USD/gallon so với mức trung bình của năm 2019.
Moody's Analytics cho rằng, nếu giá vẫn ở mức cao này, người tiêu dùng tại Mỹ trong năm 2022 sẽ phải chi trả nhiều hơn 165 tỷ USD so với năm 2019. Nói một cách khác, chi tiêu trung bình hàng năm cho xăng sẽ tăng khoảng 1.300 USD đối với mỗi hộ gia đình Mỹ.
Xem thêm: mth.41130802271302202-ehn-maig-hnam-gnat-gnax-aig-ym-et-hnik-nen-auc-neyuhc-uac/nv.zibmanteiv