Ngày 5-3, Bộ Y tế đã có ý kiến đề xuất Thủ tướng xem xét về việc cho người nhiễm virus SARS-CoV-2 (F0) và trường hợp tiếp xúc gần (F1) được đi làm trong thời gian cách ly với những điều kiện khá chặt chẽ.
Ngay sau đó, ngày 8-3, Long An trở thành tỉnh đầu tiên ban hành văn bản quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Sau Long An, chiều 17-3, Cà Mau cũng đã ban hành văn bản cho phép F0, F1 đi làm trong thời gian sớm nhất để gỡ điểm kẹt về thiếu hụt nguồn nhân lực do dịch bệnh.
Tuy vậy, đã 10 ngày kể từ khi Long An có văn bản chính thức cho F0, F1 đi làm thì quy định này dường như vẫn chỉ nằm trên giấy. Còn quá nhiều e ngại khi tổ chức cho F0, F1 trong thời gian cách ly được “tái hòa nhập cộng đồng”, đặc biệt là nỗi lo lây lan dịch bệnh dẫn tới hậu quả khó kiểm soát.
Vì thế, mặc dù đa phần doanh nghiệp, công sở, trường học đều ủng hộ chủ trương cho F0, F1 đi làm nhưng khi thực hiện lại không biết bắt đầu từ đâu.
Việc cho F0, F1 đi làm đã được một số nước trên thế giới áp dụng với những điều kiện rõ ràng để giải quyết bài toán nguồn nhân lực bị hao hụt lớn do dịch COVID-19, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Với Việt Nam, trung bình một ngày, số người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có thể lên tới cả triệu (tính cả F0 và F1 theo quy định) thì việc quy định cứng F0 cách ly 7-10 ngày, F1 cách ly 5-7 ngày như hiện nay đã gây ra nhiều điểm kẹt cho cả xã hội và nền kinh tế.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn lao động đã lên tiếng đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu thay đổi chính sách cách ly F0, F1 để những người này có thể đi làm, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu nguồn nhân lực.
Ngành giáo dục, từ các thầy cô đến phụ huynh, các em học sinh cũng kêu khổ về quy định cách ly F0, F1 trong trường học khiến việc đi học trực tiếp theo chế độ “on-off” trở thành nỗi ám ảnh. Rồi vì gánh nặng mưu sinh, biết bao F0, F1 vẫn phải bươn chải đi làm kiếm tiền bất chấp quy định cách ly y tế, bởi vì nếu ở nhà cách ly thì có thể gia đình họ không có miếng ăn…
Mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. Và đề xuất cho F0, F1 đi làm được xem là một bước thí điểm để tiến gần đến mục tiêu bình thường hóa này.
Nhưng thực tiễn đã cho thấy từ văn bản đến thực thi rõ ràng là có nhiều trắc trở, gập ghềnh và điều này cần bàn tay gỡ vướng của cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Y tế. Với quan điểm phòng chống dịch cần kiên trì, bình tĩnh, chắc chắn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội, Bộ Y tế có thể bắt đầu bằng việc xem xét lại định nghĩa F1 hiện nay và có hướng dẫn cụ thể về F1 đi làm bởi nguy cơ rủi ro ít hơn hẳn so với F0...
Có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, tin rằng các địa phương, doanh nghiệp trên cả nước sẽ thống nhất áp dụng mà không còn nhiều băn khoăn, e ngại như hiện nay.