Từ tết đến nay, giá xăng dầu bảy lần tăng liên tiếp khiến giá hàng hóa trên thị trường cũng rục rịch tăng mạnh. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối đang nỗ lực kìm “cơn bão” giá hàng hóa.
Nhiều mặt hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới khiến các bà nội trợ
gặp khó khăn. Ảnh: TÚ UYÊN
Mắm ruốc cũng tăng giá
Khảo sát của PV tại nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM cho thấy hàng loạt mặt hàng đã tăng giá từ 5.000 đến 15.000 đồng trên mỗi mặt hàng so với tháng trước. Bà Trúc Mai, tiểu thương bán hàng gia vị tại chợ Rạch Ông (quận 8), nói do giá xăng dầu tăng kéo theo mặt hàng nào cũng tăng cao.
Cách đây một tuần, giá dầu ăn Cái Lân chỉ 200.000 đồng/2 lít nay tăng lên 215.000 đồng/2 lít. Dầu ăn Tường An từ mức 17.000 đồng lên 25.000 đồng/0,5 lít. Đặc biệt, dầu ăn chứa trong can 30 lít giá từ 930.000 đồng nay lên đến 1.070.000 đồng/can.
Hàng loạt mặt hàng khác như nước mắm, mắm ruốc, sữa, mì ăn liền, gạo, đồ hộp… cũng rủ nhau tăng mạnh. Ví dụ, nước mắm Nam Ngư từ mức 38.000 đồng tăng lên 42.000 đồng/lít. Sữa đặc từ 55.000 đồng lên 60.000 đồng/hộp 1 kg. Thậm chí đến mắm ruốc cũng lên giá, từ mức 10.000 đồng lên 15.000 đồng/chai.
“Do giá cả tăng cao nên sức tiêu thụ giảm hẳn. Buôn bán ế ẩm khiến tiểu thương nản lòng và không dám nhập hàng về nhiều” - bà Trúc Mai thở dài.
Không chỉ tiểu thương lo lắng mà các doanh nghiệp cũng đau đầu vì nguyên liệu, hàng hóa liên tục leo thang. Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, chuyên cung cấp sản phẩm trứng gia cầm, cho biết: Công ty đã nhận được thông báo của các nhà cung cấp giá nguyên vật liệu tăng 10%-30%. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng chóng mặt khiến việc kinh doanh bị áp lực nặng nề, khó có thể tiếp tục giữ giá như cũ.
Cụ thể, đối với những nhóm hàng không tham gia chương trình bình ổn thị trường, từ ngày 15-3, công ty áp dụng giá mới. Đối với nhóm hàng bình ổn, công ty vẫn đang bán với giá cũ cho đến hết tháng 3, sau đó kiến nghị cơ quan chức năng xem được điều chỉnh ở mức tối thiểu dưới 10%.
Tương tự, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Nước giải khát Bidrico, giải thích do ảnh hưởng của dịch bệnh thời gian qua khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy đã tạo nên mặt bằng giá mới nhưng nhiều nhà sản xuất chưa tăng giá hoặc mức tăng chưa cân đối với chi phí đầu vào tăng. Đến nay, giá xăng dầu liên tiếp tăng cao làm cho nguyên vật liệu nhanh chóng xác lập thêm mặt bằng giá mới.
“Chúng tôi có hợp đồng với bảy công ty để vận chuyển, phân phối hàng hóa khắp cả nước thì hiện nay chỉ có một hợp đồng với ngành đường sắt là chưa lên giá. Vì vậy, tháng 4 tới đây, các nhà sản xuất buộc phải điều chỉnh vì áp lực giá cả đầu vào quá lớn, không thể cầm cự được. Việc tăng giá là chẳng đặng đừng, không còn cách nào khác” - ông Hiến phân trần.
Cân nhắc tăng giá hàng bình ổn Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, sau ngày 31-3, có thể sẽ điều chỉnh giá các mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn. Tuy vậy, giá lương thực, thực phẩm nằm trong chương trình này thường thấp hơn giá mặt hàng cùng loại trên thị trường 5%-10%. “Các doanh nghiệp có thể đề xuất điều chỉnh trên cơ sở chứng minh chi phí đầu vào tăng. Hiện Sở Công Thương và Sở Tài chính đang nắm bắt tình hình để tham mưu UBND TP.HCM có giải pháp hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, với giá cả ổn định lâu dài” - ông Phương nói. |
Cố gắng không gây sốc cho khách hàng
Đại diện một số siêu thị thừa nhận nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, đến cuối tháng 3 sẽ áp dụng giá mới cho một số ngành hàng. Ông Bùi Trung Chính, Giám đốc Khối thu mua ngành hàng thực phẩm Siêu thị AEON Việt Nam, thông tin: Đến nay đã có khoảng 5% các nhà cung cấp mặt hàng thiết yếu cho Siêu thị AEON Việt Nam đề nghị tăng giá bán 5%-10%.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp hàng tươi sống, đông lạnh nhập khẩu cũng đề xuất tăng giá do ảnh hưởng của thiếu hụt nhân công toàn thế giới, chi phí vận chuyển qua đường hàng không và đường biển tăng cao tác động đến giá cả hàng hóa.
“Hiện siêu thị đang nỗ lực đàm phán để giữ nguyên mức giá tốt nhất cho khách hàng, đồng thời chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận để đồng hành cùng khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi đang tìm kiếm thêm hàng nội địa chất lượng với mức giá hợp lý có thể thay thế cho các mặt hàng tươi sống, đông lạnh nhập khẩu” - ông Chính nói.
Đại diện Siêu thị Emart cũng cho hay hiện tại, siêu thị vẫn chưa tăng giá hàng hóa và đang thương lượng với các nhà cung cấp. Song do giá xăng dầu liên tục tăng và nếu trong thời gian tới không giảm, hàng hóa sẽ khó giữ giá như cũ. Siêu thị đang thương lượng với các nhà cung cấp để kéo dài thời gian tăng giá hoặc chia nhỏ làm nhiều đợt tăng. Ví dụ, những mặt hàng thiết yếu có mức tăng dưới 5% mỗi lần, chứ không tăng cao một lúc nhằm tránh gây sốc cho khách hàng.
Tại cuộc họp về tình hình giá cả mới đây, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đánh giá do tác động của nhiều yếu tố đã làm tăng chi phí sản xuất dẫn đến áp lực tăng giá. Tuy nhiên, giá tại nhiều hệ thống phân phối hiện đại tương đối ổn định. Các siêu thị đang rà soát các yếu tố đầu vào, nếu thấy các đề xuất tăng giá hợp lý từ nhà cung cấp mới điều chỉnh.
Đối với giá cả tại chợ truyền thống phụ thuộc vào lượng hàng cũng như lượng khách trong ngày. Hiện nay, giá các mặt hàng tươi sống có dấu hiệu gia tăng do chi phí vận tải, chi phí xăng dầu… phục vụ sản xuất tăng cao.
“Riêng với chương trình bình ổn thị trường TP.HCM đang triển khai, người dân có thể yên tâm từ nay đến cuối tháng 3, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại kênh phân phối hiện đại sẽ được giữ giá tương đối ổn định” - ông Phương cam kết. •
Khuyến mãi để chia sẻ với người tiêu dùng Ông Bùi Trung Chính, Giám đốc Khối thu mua ngành hàng thực phẩm Siêu thị AEON Việt Nam, phân tích: Giá xăng dầu tăng cao làm thay đổi thói quen chi tiêu của khách hàng. Ví dụ, gần đây khách hàng chủ yếu mua các sản phẩm nhu yếu phẩm hằng ngày. Do đó, Siêu thị AEON Việt Nam phối hợp với các nhà cung cấp hàng hóa tổ chức một số chương trình ưu đãi, trợ giá để khách hàng có nhiều sự lựa chọn khi mua sắm. Đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart cũng thông tin nhằm hỗ trợ khách hàng, siêu thị liên tục đàm phán với các đối tác để có mức giá tốt nhất cho khách hàng. Song song đó, siêu thị còn tung ra một số chương trình khuyến mãi các nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống... lên đến 50%. Qua đó giúp giảm áp lực lên việc lo toan mua sắm hằng ngày cho người dân. Tương tự, hệ thống đại siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc áp dụng chương trình siêu tiết kiệm giảm giá đến 50% đối với 390 sản phẩm như thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh. |