Một cơ sở của hệ thống mầm non Happy Time (Hà Nội) tiêu điều, vắng vẻ khi phải đóng cửa nhiều tháng - Ảnh: V.HÀ
Cô Hoàng Thúy Hằng, quản lý hệ thống Trường Happy Time (Hà Nội), chia sẻ.
Khi mất đi đội ngũ mà mình đã mất nhiều công sức đào tạo, việc khôi phục rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Biết như vậy nhưng vẫn phải nhìn giáo viên ra đi mà không giữ được.
Cô Hoàng Thúy Hằng
Bất lực nhìn giáo viên đi
Cô Đinh Thị Phương Lan, quản lý hệ thống mầm non Thăng Long Academy (Hà Nội), chia sẻ trong thời gian trường đóng cửa, cơ sở này vẫn cố trả lương cho người trong ban giám hiệu, một số giáo viên nòng cốt và bộ phận kỹ thuật.
"Chúng tôi vẫn cố gắng kết nối với trẻ hằng ngày để giao bài tập, nhận bài tập do phụ huynh chuyển lại, rồi trò chuyện với trẻ. Nỗ lực để trẻ ở nhà mà vẫn gắn kết với trường, cũng là một cách để giữ giáo viên không bỏ hẳn nghề.
Nhưng có cô giáo đã kể khi cô kết nối với trẻ ở nhà, có phụ huynh đã nói thẳng con cũng quên cô rồi nên cô không cần phải gọi nữa. Một thực tế phải chấp nhận là dịch bệnh khiến cho cô trò xa cách nhiều tháng ròng rã. Những đứa trẻ 3, 4, 5 tuổi không còn nhớ mặt cô cũng là lẽ đương nhiên" - cô Phương Lan buồn bã kể.
Theo cô Lan, phần lớn giáo viên phải tỏa đi các nơi kiếm việc khác là vì mưu sinh. Có người chỉ làm tạm thời, rồi chờ ngày quay lại trường. Nhưng nhiều người tìm được công việc có thu nhập cao hơn, họ đã nghỉ hẳn. Tuy vậy, thứ khiến nhiều giáo viên mầm non dứt áo ra đi không chỉ là mức thu nhập tốt hơn, mà đại dịch khiến họ quá sợ hãi một cuộc sống bấp bênh, bất an.
"Với giáo viên mầm non tư thục, trường đóng cửa là họ thất nghiệp. Những khoản hỗ trợ ít ỏi không thể giúp họ bảo đảm cuộc sống" - cô Hoàng Thúy Hằng nói.
Hệ thống mầm non Happy Time của cô Hằng nằm trong nhóm "phân khúc cao" và yếu tố quan trọng để tạo dựng thương hiệu chính là một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có năng lực.
"Khi bắt đầu mở trường, tôi đã quan niệm giáo viên mầm non không chỉ dạy học mà quan trọng hơn là có kỹ năng chăm sóc trẻ, hiểu biết về tâm sinh lý, về chế độ dinh dưỡng, về những bệnh lý dễ xảy ra với trẻ và biết cách sơ cứu khi trẻ gặp vấn đề nguy hiểm. Chính vì thế, với chúng tôi, sau tuyển dụng là đào tạo. Chúng tôi đầu tư nhiều cho điều đó để có đội ngũ nhân sự đạt tiêu chuẩn" - cô Hằng chia sẻ.
Hệ thống mầm non Lá phong xanh có 14 cơ sở ở Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên. Hiện tại theo ước tính của chủ hệ thống này, có ít nhất 1/4 số giáo viên đã nghỉ việc hẳn, vì xin được công việc khác. Hiện chỉ còn một số giáo viên đang kiếm việc tạm thời là hy vọng họ sẽ quay về khi trường mở lại. Nhưng đó chỉ là hy vọng chứ cũng không có gì bảo đảm.
Theo cô Lương Thị Thuận, phó ban điều hành hệ thống mầm non Lá phong xanh, hệ thống này chỉ đủ sức hỗ trợ 2 tháng lương cho giáo viên trong thời gian đầu khi mới đóng cửa và lo giải quyết thủ tục trợ cấp theo bảo hiểm cho giáo viên. Trường phải nhìn giáo viên nghỉ hẳn trong sự bất lực.
Chua xót những người ra đi
Sau Tết Nguyên đán, trên nhiều trang mạng, Facebook cá nhân đã đăng các dòng tin "tuyển giúp việc có bằng đào tạo giáo viên mầm non". Nhiều người thấy chua xót thay cho những giáo viên được đào tạo bài bản, có vị thế xã hội nhưng chỉ qua đại dịch bỗng chốc thất nghiệp và phải chấp nhận một công việc phổ thông: nghề giúp việc gia đình.
Cô Dương Thị Ánh, giáo viên trường mầm non tư thục ở xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội), cho biết cô đã nhận trông trẻ từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Công việc từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, phải trông 2 - 3 cháu bé ở độ tuổi khác nhau.
"Yêu cầu của chủ nhà là vừa chăm sóc trẻ, vừa tổ chức các hoạt động học tập như ở trường mầm non. Ngoài ra lúc trẻ ngủ thì kiêm dọn dẹp, chế biến đồ ăn. Lương 4,5 triệu đồng/tháng. Mức lương này còn cao hơn lương khi tôi làm việc ở trường. Nhưng dù sao ở trường tôi cũng được là cô giáo, còn ở đây tôi chỉ là ôsin" - cô Ánh cho biết.
Tại TP.HCM, mặc dù trường mầm non đã mở trở lại nhưng vẫn rất nhiều giáo viên mầm non thất nghiệp do cơ sở mầm non giải thể, do lương trả quá thấp so với trước đại dịch khiến họ không đủ sống.
Cô Nguyễn Thị Bích Trâm, một giáo viên mầm non tại quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết khi trường học đóng cửa, cô về quê và chịu cảnh không lương, chờ đợi ngày trường được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ngay sau khi TP.HCM cho phép trẻ mầm non đi học thì trường tư nơi cô làm việc phải giải thể.
"Chủ trường nói chi phí quá lớn, họ không thể hoạt động được nữa nên phải giải thể. Giáo viên ai nấy đều thất nghiệp, tìm việc mới cả tháng đều chưa có. Một số người quyết định không theo nghề giáo nữa mà tìm hướng khác để làm việc" - cô Nguyễn Thị Bích Trâm kể.
Cô Đỗ Thị Nhung, một giáo viên mầm non tại TP Thủ Đức - TP.HCM, cũng cho biết vì không có việc làm trong thời điểm đại dịch nên cô buộc phải nghỉ việc tại trường mầm non tư thục vào khoảng giữa năm 2021. Đến nay, sau nhiều tháng thất nghiệp, cô Nhung cho biết cô vẫn chưa tìm được việc làm mới.
Hiện nay, mỗi tháng cô Nhung phải trả tiền nhà trọ khoảng 2,5 triệu đồng. "Tôi mong có lương khoảng 6,5 triệu - 7 triệu đồng/tháng nhưng lương tốt nghiệp đại học ra mà các cơ sở cũng chỉ trả 5 triệu - 5,5 triệu đồng/tháng, họ nói trường khó khăn, chỉ trả được đến vậy. Lương như thế này thì tôi không có tiền để trả tiền thuê nhà và tiền ăn, nên giờ đang nhờ bố mẹ ở quê chu cấp tiền cho sống tạm qua ngày" - cô Nhung buồn bã cho biết thêm.
Hỗ trợ quá ít
Cuối năm 2021, Hà Nội đã quyết định chi 25,7 tỉ đồng hỗ trợ cho trên 9.500 giáo viên ngoài công lập, giáo viên mầm non thuộc đối tượng có ký hợp đồng với các cơ sở giáo dục, nhưng đang phải nghỉ việc không lương vì các trường đóng cửa chống dịch. Tuy nhiên mức tiền chỉ có 1,5 triệu đồng/người, không đủ cho giáo viên vơi đi khó khăn khi phải bươn chải kiếm sống bên ngoài.
(còn tiếp)
TTO - Trên 500 trường mầm non tư thục phải giải thể do tác động của đại dịch COVID-19 là thông tin bà Ngô Thị Minh, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết tại phiên giải trình với Quốc hội về tổ chức dạy học trong bối cảnh COVID-19 vào cuối tháng 2-2022.