vĐồng tin tức tài chính 365

Chính sách phong tỏa đe dọa nửa nền kinh tế Trung Quốc

2022-03-18 12:56

Cuối tuần trước, giới chức Trung Quốc phong tỏa thành phố Thâm Quyến (thuộc tỉnh Quảng Đông) với 17,5 triệu dân trong ít nhất một tuần, do số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt. Các nhà kinh tế học tại Bloomberg Economics cho rằng đây sẽ là "đòn giáng trực tiếp" lên Quảng Đông.

Tỉnh này là cỗ máy sản xuất của Trung Quốc, đóng góp 11% GDP cả nước, tương đương 1.960 tỷ USD. Con số này bằng cả GDP Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu 795 tỷ USD của Quảng Đông năm ngoái đóng góp 23% cho quốc gia, nhiều hơn tất cả các tỉnh khác.

Đến đầu tuần này, tỉnh Cát Lâm cũng bị phong tỏa. Khu vực 24 triệu dân này có Trường Xuân - trung tâm công nghiệp đóng góp 11% tổng sản lượng xe hơi hàng năm cho Trung Quốc năm 2020. Thành phố này đã bị phong tỏa từ tuần trước. Toyota Motor đã phải dừng hoạt động nhà máy tại đây.

Khi số ca nhiễm tăng vọt, các nhà kinh tế học tại ngân hàng ANZ ước tính nửa nền kinh tế và dân số tại Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng. Bắc Kinh sẽ chịu thêm sức ép tung kích thích để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm nay.

Các tòa chung cư tại Thẩm Quyến (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg

Các tòa chung cư tại Thẩm Quyến (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg

Trong một báo cáo đầu tuần này, các nhà phân tích tại Citi cho rằng đợt bùng phát Covid-19 mới nhất tại Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng quý I của nước này giảm ít nhất 0,5%. "Nếu tính cả tác động lan truyền đến các vùng khác, chúng tôi cho rằng các chính sách phong tỏa và cách ly lần này có thể làm giảm 0,5 – 0,8% tăng trưởng GDP quý I, trong trường hợp không có phản ứng chính sách để kích thích".

Hai chuyên gia kinh tế Chang Shu và David Qu của Bloomberg Economics cũng nhận định việc phong tỏa Thâm Quyến sẽ tác động đến các ngành như công nghệ và máy móc, từ đó làm gián đoạn thêm chuỗi cung ứng toàn cầu. "Ảnh hưởng kép lên tiêu dùng và sản xuất, cùng tác động lan truyền ra ngoài Trung Quốc sẽ làm tăng thiệt hại trong đợt phong tỏa này".

Việc Thâm Quyến bị phong tỏa diễn ra khi nhiều trung tâm kinh tế quan trọng khác của Trung Quốc cũng đang chật vật kiềm chế Covid-19. Thượng Hải – trung tâm tài chính và sản xuất của Trung Quốc cũng đã dừng các lớp học trực tiếp và dịch vụ xe bus nội đô.

"Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng sản xuất tại Trung Quốc đến nay vẫn rất nhỏ. Tuy nhiên, nhiều vấn đề khác sẽ khó tránh được, do tầm quan trọng của Thượng Hải và Thâm Quyến với hoạt động cảng biển và sản xuất", Gavekal Dragonomics nhận định.

Raymond Yeung – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ANZ cho biết ngân hàng này vẫn chưa điều chỉnh dự báo năm 2022, nhưng "khá thận trọng" về các lệnh hạn chế bổ sung. ANZ hiện dự báo Trung Quốc tăng trưởng 5% năm nay. Nếu các tỉnh chủ chốt tại vùng đông bắc cũng nối gót Thâm Quyến phong tỏa một tuần, tăng trưởng của nước này có thể mất 0,8%, Yeung cho biết.

Nomura Holdings cũng cho rằng thiệt hại kinh tế từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc là cao và các bên có vẻ đang quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng năm nay. Ngân hàng này dự báo Trung Quốc chỉ có thể tăng trưởng 4,3%.

Thâm Quyến là nơi đặt trụ sở của nhiều đại gia công nghệ, như Tencent Holdings, Huawei Technologies hay Foxconn. Các công ty tài chính lớn, từ Ping An Insurance Group, China Merchants Bank cũng có trụ sở tại đây.

Vì lệnh phong tỏa, Foxconn đã phải dừng hoạt động tại Thâm Quyến, trong đó có một cơ sở sản xuất iPhone. Các hãng môi giới và ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc tại Thâm Quyến cũng đã ngừng các dịch vụ trực tiếp.

Thâm Quyến là cảng quan trọng thứ nhì tại Trung Quốc, sau Thượng Hải, xử lý khoảng 10% container chuyển đi từ Trung Quốc mỗi tháng. Cảng này đã phải đóng cửa một phần trong vài tuần hồi giữa năm ngoái, do Covid-19.

"Kể cả nếu lệnh phong tỏa chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, ảnh hưởng của nó cũng có thể kéo dài vài tuần, do khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng trong và ngoài thành phố", các nhà kinh tế học tại Bloomberg Economics cho biết.

Dù Zero Covid đến nay chưa gây ra gián đoạn kinh tế lớn, các biện pháp hạn chế đang khiến nền kinh tế này "đặc biệt tổn thương với biến chủng Omicron dễ lây nhiễm", Louis Kuijs – kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings nhận định.

"Trên toàn cầu, tác động của Covid-19 đang giảm sút, do các chính phủ đã nới lỏng hạn chế và nhiều nước chấp nhận sống chung với đại dịch", Kuijs nói, "Nhưng với Trung Quốc, Omicron là rủi ro chính với nhu cầu, GDP và có thể là cả chuỗi cung ứng trong nước".

Hà Thu (theo Bloomberg)

Xem thêm: lmth.5630444-couq-gnurt-et-hnik-nen-aun-aod-ed-aot-gnohp-hcas-hnihc/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chính sách phong tỏa đe dọa nửa nền kinh tế Trung Quốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools